Mỹ - Iran tranh cãi gay gắt về thỏa thuận hạt nhân lịch sử
VOV.VN - Các hoạt động hạt nhân của Iran đã trở thành một cuộc đấu khẩu đầy căng thẳng giữa Mỹ và Iran tại cuộc họp các nước thành viên IAEA.
Phát biểu tại cuộc họp ngay sau khi ông Yukiya Amano được bổ nhiệm nhiệm kỳ 3 làm Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry đã nhắc lại tuyên bố của Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley kêu gọi IAEA mở rộng hoạt động thanh sát các cơ sở hạt nhân của Iran nhằm đảm bảo Iran không vi phạm thỏa thuận.
Tổng thống Iran Hassan Rowhani (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
“Mỹ ủng hộ những nỗ lực này và khuyến khích IAEA thực thi quyền hạn đầy đủ của mình để làm rõ là liệu Iran có tuân thủ các cam kết trong Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện hay không. Chúng tôi không chấp nhận một thỏa thuận cần được giám sát lại không được giám sát một cách đầy đủ”, ông Perry nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ lại không giải thích lý do tại sao Mỹ lại cho rằng, thỏa thuận trên lại không được giám sát một cách đầy đủ.
Đáp trả tuyên bố của Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Ali Akbar Salehi đã nói rằng, Mỹ đã đưa ra những yêu cầu không phù hợp pháp luật một cách không bình thường liên quan đến việc làm rõ chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình của Iran.
Iran tin tưởng rằng, IAEA sẽ phản đối những đòi hỏi không thể chấp nhận được này và tiếp tục thực thi vai trò của mình một cách khách quan và công bằng nhất.
Ông Ali Akbar Salehi cũng chỉ trích chính quyền Mỹ hiện nay vẫn giữa thái độ thù địch đối với Iran: “Thái độ thù địch và các chính sách trì trệ và những toan tính của chính quyền Mỹ đang nhằm phá hỏng thỏa thuận hạt nhân và ngăn Iran thực thi những lợi ích hợp pháp và đầy đủ của mình”.
Thỏa thuận hạt nhân Iran, được biết đến là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) được ký hồi tháng 7/2015 sau nhiều năm quan hệ căng thẳng giữa Iran và phương Tây.
Theo thỏa thuận, Iran chấp nhận hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế. Tuy nhiên, thỏa thuận trên đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ do những căng thẳng mới đây giữa Mỹ và Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái đã coi thỏa thuận này là “một thảm họa” và là thỏa thuận “tồi tệ nhất” từ trước đến nay.
Trong tháng này, ông Trump đã ký phê chuẩn các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran liên quan chương trình tên lửa của Iran. Phản ứng về động thái này của Mỹ, Iran đã cáo buộc Mỹ vi phạm Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định không thể đàm phán lại Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện và cho rằng một thỏa thuận tốt hơn cho kế hoạch này trong bối cảnh hiện nay là “hoàn toàn không tưởng”, và đã đến lúc Mỹ phải tuân thủ thỏa thuận như Iran.
Những tranh cãi giữa Mỹ và Iran khiến các đồng minh của Mỹ không khỏi lo ngại việc Mỹ có thể đơn phương rút khỏi thỏa thuận này, từ đó làm ảnh hưởng tới tính khả thi của thỏa thuận./.