Mỹ làm chậm tiến trình cải cách IMF
VOV.VN - Kế hoạch cải tổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế không thể xúc tiến được nếu không có sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn chưa thể tái cơ cấu quyền lực trong nội bộ thể chế tài chính này, đặc biệt là trao thêm quyền lực cho các nền kinh tế mới nổi. Điều này khiến cho sự tín nhiệm của Quỹ Tiền tệ quốc tế trở thành một câu hỏi lớn. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ đã phải đối mặt với câu hỏi từ dư luận về việc tiến hành cải cách. Thế nhưng, thực tế, chính Quốc hội Mỹ mới là rào cản cho những cải cách này.
Kế hoạch cải cách cơ cấu lãnh đạo trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã được Ban Giám đốc nhất trí vào năm 2010 nhằm đem lại ảnh hưởng lớn hơn cho các nền kinh tế đang nổi và biến Trung Quốc thành thành viên lớn thứ ba của định chế tài chính quốc tế này. Cuộc cải tổ này sẽ giúp thể chế tài chính toàn cầu có thêm nhiều tiền để ngăn chặn và giải quyết các cuộc khủng hoảng. Theo kế hoạch cải cách, các nước mới nổi khác như Brazil, Ấn Độ và Nga sẽ nằm trong danh sách 10 nước có hạn ngạch lớn nhất trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Trong kế hoạch cải tổ này, Mỹ là nước đã ủng hộ việc tăng thêm hạn ngạch cho các nước mới nổi tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Mỹ hợp tác với nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) trong Nhóm G20.
Chính Mỹ cũng là nước đã thuyết phục nhóm nền kinh tế châu Âu từ bỏ tới 2 ghế trong Hội đồng quản trị Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Kế hoạch cải tổ cần được thông qua với 85% số phiếu theo cơ cấu bỏ phiếu hiện nay. Mỹ, với quyền bỏ phiếu 17,69%, nắm phần chủ chốt. Tuy nhiên, kế hoạch cải tổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế không thể xúc tiến được mà không có sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ. Thế nhưng, bất chấp việc chính quyền Mỹ muốn thúc đẩy điều này, thì Quốc hội Mỹ lại không sẵn lòng mang thỏa thuận này ra bỏ phiếu.
Bà Jo Marie Griesgraber, Giám đốc điều hành Liên minh Quy tắc mới về tài chính toàn cầu cho biết: “Tôi chắc rằng châu Âu đang "hài lòng" khi kế hoạch cải tổ gặp bế tắc. Mỹ đã gặp phải nhiều khó khăn khi thuyết phục châu Âu chấp nhận bớt số ghế trong Hội đồng quản trị Quỹ Tiền tệ quốc tế. Thế nhưng kế hoạch này lại bị mắc kẹt ở Quốc hội Mỹ”.
Một số nhà phân tích cho rằng, sự nổi lên của các quỹ khu vực trong thời gian gần đây là dấu hiệu cho thấy có sự thất vọng đối với hiệu quả hoạt động của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Điển hình là quyết định thành lập quỹ dự phòng lên tới 100 tỷ của Nhóm BRICS, nhằm ngăn chặn đầu cơ và hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích cũng cho rằng, những nỗ lực khu vực như các quỹ dự phòng, có thể bổ sung cho vai trò của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Chủ tịch Ủy ban tài chính và tiền tệ quốc tế Tharman Shanmugaratnam cho biết: “Đó không phải là điều tiêu cực. Nếu bạn nghĩ về sự phức tạp của thế giới và sự thực bạn đang có nhiều sự lựa chọn, tôi nghĩ, cũng không phải là ý kiến tồi tệ khi chúng ta có các thể chế quốc tế mạnh mẽ, đa phương, quản lý tốt với các đại diện quốc tế, hoạt động bổ sung cho các thỏa thuận khu vực”.
Vấn đề đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế hiện nay là chừng nào những cải cách cơ cấu chưa thông qua, thì sẽ vẫn còn tồn tại những nghi ngờ kéo dài xung quanh cán cân quyền lực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế từ trước tới nay luôn nghiêng về châu Âu và Mỹ./.