Mỹ muốn Anh, Argentina giải quyết tranh chấp qua đối thoại
(VOV) - Đa số dân Argentina phản đối cuộc trưng cầu ý dân của Anh, coi đây là mẹo chính trị của Thủ tướng Anh.
Quan hệ giữa Anh và Argentina đang ngày càng căng thẳng liên quan tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Malvinas theo tên gọi của Argentina, còn Anh gọi là Falkland - đây là khu vực được các chuyên gia đánh giá có tiềm năng dầu khí khổng lồ.
Chính phủ Argentina đã lên tiếng bác bỏ kết quả cuộc trưng cầu ý dân về tương lai chính trị của quần đảo này, theo đó người dân sinh sống trên đảo đồng ý mong muốn duy trì quy chế là vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh với tỷ lệ ủng hộ lên tới 98,8%.
Tổng thống Argentina Cristina Fernandez chỉ trích cuộc trưng cầu ý dân, và dẫn tuyên bố của Bộ ngoại giao Mỹ kêu gọi hai nước thông qua đối thoại giải quyết tranh chấp.
Nhà cửa cư dân trên đảo Malvinas/Falkland (ảnh: Guardian) |
“Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng họ coi đây là một cuộc xung đột về chủ quyền giữa Argentina và Anh,” bà Fernandez nói. “Chính phủ Mỹ tiếp tục công nhận chính quyền không chính thức của quần đảo tranh chấp, nhưng họ không can dự vào việc tuyên bố chủ quyền của cả hai nước. Phía Mỹ cũng kêu gọi Argentina và Anh hợp tác để giải quyết tranh chấp thông qua một giải pháp hòa bình. Đây cũng là yêu cầu của chúng tôi, nhất là cần một nghị quyết trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc”.
Cuộc trưng cầu ý dân cũng thu hút sự chú ý của người dân Argentina. Một tổ chức dân sự của Argentina đã phát động một phong trào trong toàn quốc nhằm kêu gọi người dân bày tỏ ý kiến đối với chủ quyền quần đảo tranh chấp với Anh. Đa số người dân Argentina phản đối cuộc trưng cầu ý dân, coi đây là hành động mang động cơ chính trị của chính phủ Anh, vì tất cả mọi người đều đoán trước được kết quả cuộc trưng cầu.
Một người dân thủ đô Buenos Aires bày tỏ: “Cuộc trưng cầu chỉ lãng phí thời gian. Vì thế tôi không muốn dành một phút nào để nói về nó”.
Một người dân thủ đô khác nói: “Người Anh không quan tâm nhiều về ý kiến của những người sống trên quần đảo tranh chấp. Có lẽ đó là những gì mà thủ tướng Anh Cameron sử dụng nhằm giành lợi thế chính trị”.
Quần đảo Malvinas/Falkland bị quân đội Anh chiếm từ năm 1833. Đến năm 1982, Argentina tấn công quân đồn trú của Anh nhưng chỉ chiếm giữ quần đảo này trong 74 ngày, sau đó lại bị đánh bại. Cuộc xung đột vũ trang này đã cướp đi sinh mạng của 649 binh sĩ Argentina và 255 lính Anh. Đến nay, Liên Hợp Quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Tổng diện tích vùng biển bao quanh Malvinas/Falkland có khả năng khai thác dầu khí lên tới 400.000 km2./.