Mỹ muốn loại bỏ quyền phủ quyết của Nga, Trung khỏi thỏa thuận về Iran
VOV.VN - Cho tới thời điểm này, sau khi đã kết thúc nhiều vòng đàm phán, Iran và nhóm P5+1 vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về các vấn đề mấu chốt.
Trong nỗ lực nhằm tìm kiếm thỏa thuận cuối cùng trước thời hạn chót vào ngày 30/6 tới, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran, Liên minh châu Âu (EU) và 6 cường quốc thế giới sẽ được nối lại tại Vienna (Áo) vào tuần tới.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, sau khi đã kết thúc nhiều vòng đàm phán, Iran và nhóm P5+1 vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về các vấn đề mấu chốt tại các cuộc đàm phán hạt nhân, đó là tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc nếu Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân và kiểm soát việc Tehran mua các công nghệ hạt nhân.
Nếu như việc khôi phục các lệnh trừng phạt Iran của Mỹ và phương Tây là tương đối dễ dàng, thì đối với các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc lại ngược lại bởi Nga và Trung Quốc vốn không đồng tình với quan điểm này của Mỹ và phương Tây. Do đó, mặc dù đã kết thúc gần một tuần thương lượng tại New York, Mỹ bên lề Hội nghị kiểm điểm việc thực hiện Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Iran và nhóm P5+1 vẫn chưa thể vượt qua những chia rẽ sâu sắc trong vấn đề này.
Các nhà đàm phán của Mỹ và phương Tây muốn rằng, bất kỳ sự nới lỏng nào đối với các biện pháp trừng phạt mà Liên Hợp Quốc đang áp đặt lên Iran, cũng cần được tự động khôi phục, nếu như Tehran không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân.
Việc tự động khôi phục các biện pháp trừng phạt là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với phương Tây, bởi họ luôn lo ngại rằng, một khi các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran được dỡ bỏ hoàn toàn thì sẽ khó có khả năng các biện pháp này được khôi phục bởi Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ phủ quyết. Do đó, một số nhà ngoại giao phương Tây khẳng định, sẽ không có một thỏa thuận hạt nhân nào cả nếu như các biện pháp trừng phạt không thể được tự động khôi phục.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power cho biết, Washington muốn chắc chắn rằng, bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào giữa Iran và các cường quốc cũng sẽ bao gồm việc tự động khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc lên Iran mà không cần sự biểu quyết của Nga và Trung Quốc, trong trường hợp Tehran phá vỡ thỏa thuận.
Bà Power nhấn mạnh, Washington không muốn Nga và Trung Quốc tiếp tục phủ quyết các nghị quyết liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran, như đã từng nhiều lần phủ quyết các nghị quyết liên quan đến Syria. Chia sẻ quan điểm này với Mỹ, Tổng thống Pháp phát biểu trong chuyến công du tới thủ đô Riat của Saudi Arabia, cũng cho biết, ông muốn chắc chắn rằng thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ không là nhân tố gây bất ổn cho khu vực.
Nếu như Mỹ và phương Tây muốn một thỏa thuận phải bao gồm việc tự động khôi phục các biện pháp trừng phạt đối với Iran, thì Nga, Trung Quốc và Iran cũng muốn nhận được sự đảm bảo trong thỏa thuận hạt nhân rằng nếu thành viên của đảng Cộng hòa thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016 thì chính phủ Mỹ sẽ không đơn phương khôi phục việc áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Tehran.
Trước vòng đàm phán mới vào tuần tới, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cảnh báo các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, tuân thủ với các cam kết đã được nhất trí trong các cuộc đàm phán trước, nếu không Tehran sẽ nối lại các hoạt động hạt nhân đang tạm đóng băng. Người đứng đầu cơ quan lập pháp Iran cũng khẳng định rằng việc làm giàu urani ở cấp độ trên 5% như trước thời điểm đạt được thỏa thuận hạt nhân tạm thời vẫn được để ngỏ nếu các nước phương Tây không trung thực trong việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Một vấn đề khó khăn khác tại bàn đàm phán đó là cơ chế giám sát việc Iran mua các công nghệ hạt nhân. Cơ chế này có thể cho phép Iran mua một số công nghệ hạt nhân nhạy cảm hiện nằm trong danh sách cấm của Liên Hợp Quốc.
Một đề xuất đang được xem xét là thành lập ủy ban rà soát trong vấn đề này, ủy ban sẽ bao gồm các đại diện của cả Iran và nhóm P5+1. Tuy nhiên, tại ủy ban này, Iran sẽ chỉ được phép đưa ra ý kiến mà không được quyền phủ quyết các quyết định của ủy ban. Một lần nữa, đây lại là một đề xuất mà Iran khó có thể đồng tình./.