Mỹ-Nhật-Hàn để ngỏ khả năng đối thoại với lãnh đạo Triều Tiên
VOV.VN - Lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản ngày 20/6 đã phát đi thông điệp để ngỏ khả năng đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn để ngỏ khả năng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, Mỹ vẫn sẽ phối hợp với các đối tác nhằm buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters.
“Chúng tôi sẽ vẫn gây áp lực về kinh tế và chính trị đối với Triều Tiên cũng như phối hợp với các đối tác khác. Chúng tôi cho rằng những động thái tích cực của phía Trung Quốc trong vòng 5 tháng qua là nhằm gây sức ép với Triều Tiên. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Trung Quốc cùng các đối tác khác để buộc Triều Tiên thay đổi cách ứng xử của mình”, ông Sean Spicer nói.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin CBS ngày 20/6, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, ông muốn hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên nếu có những điều kiện hợp lý. Ông cũng bày tỏ hy vọng đưa Triều Tiên tới bàn đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên trong năm nay.
Ông Moon Jae-in nói: “Ông Kim Jong-un không phải là đối tác dễ hợp tác song tôi muốn nhấn mạnh rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng nói rằng, ông ấy muốn nói chuyện với ông Kim Jong-un. Tôi tin là Tổng thống Mỹ sẽ còn đi xa hơn nữa trong việc này. Trong sâu thẳm, tôi tin là Triều Tiên cũng muốn đối thoại với các bên. Tóm lại, cách duy nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là đối thoại”.
Tổng thống Hàn Quốc cũng cho biết Hàn Quốc có thể xem xét mở lại Khu công nghiệp chung Kaesong, nhưng chỉ sau khi Triều Tiên đạt tiến bộ trong việc phi hạt nhân hóa. Khu công nghiệp liên Triều này đóng cửa từ tháng 2/2016 ngay sau khi Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân.
Triều Tiên chưa có phản ứng chính thức về tuyên bố trên của Mỹ và Hàn Quốc song trong một bài bình luận đăng tải trên trang mạng Uriminzokkiri, mới đây, phía Triều Tiên đã nói rằng Triều Tiên và Mỹ là các bên liên quan tới đàm phán về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Tuyên bố của Triều Tiên được giới quan sát đánh giá là tích cực cho thấy, Triều Tiên đang để ngỏ cơ hội đàm phán với các bên về chương trình hạt nhân của nước này.
Trong những tháng gần đây, Triều Tiên đã thực hiện một số vụ phóng tên lửa bao gồm cả vụ phóng loạt tên lửa đất đối hạm tầm ngắn vào hôm 8/6 vừa qua. Các vụ phóng thử trên đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích và làm gia tăng những quan ngại về an ninh của các nước láng giềng.
Trong một diễn biến có liên quan, các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này đã bắt đầu các bước chuẩn bị cho cuộc họp ba bên giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới. Tại cuộc họp này, ông Shinzo Abe dự kiến kêu gọi tăng cường hợp tác ba bên nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.
Theo kế hoạch, cuộc họp ba bên sẽ diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Đức. Đây sẽ là cuộc họp lần đầu tiên giữa ba nước kể từ khi ông Donald Trump và ông Shinzo Abe lên nắm quyền hồi đầu năm nay.
Cuộc họp ba bên gần đây nhất được tổ chức tại Washington, Mỹ hồi tháng 3/2016. Các nguồn tin cho biết thêm Nhật Bản cũng dự định tổ chức các cuộc họp song phương lần lượt với Mỹ và Hàn Quốc tại Đức.
Trước đó tại một cuộc họp báo ngày 19/6, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ nỗ lực “bảo đảm một nền tảng vững chắc” với Mỹ và Hàn Quốc trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên./.
Tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo, Triều Tiên muốn gửi thông điệp gì?