Mỹ phản đối dùng vũ lực ở Biển Đông
Ông Locklear: "Chúng ta cần duy trì những gì ở đâu thuộc ai thì vẫn như thế, cho đến khi có Bộ quy tắc ứng xử"
Mặc dù không nêu tên nước nào cụ thể, Đô đốc Samuel Locklear nói thêm rằng các nước tuyên bố có chủ quyền tại khu vực này có thể cần phải thỏa hiệp để giải quyết tranh chấp chủ quyền.
"Chúng tôi sẽ phản đối việc bất kỳ ai dùng vũ lực để thay đổi trạng thái nguyên trạng hiện nay", ông Locklear nói với các phóng viên trong chuyến công du tới Malaysia.
"Chúng ta cần duy trì những gì ở đâu thuộc ai thì vẫn như thế cho tới khi chúng ta có được bộ qui tắc ứng xử hoặc một giải pháp mà các quốc gia liên quan chấp nhận một cách hòa bình".
Chính phủ các nước châu Á muốn có một bộ qui tắc ứng xử với Trung Quốc có tính ràng buộc nhằm ngăn các hành động thù địch và phòng ngừa giao tranh.
Tuy nhiên Bắc Kinh chưa nói rõ khi nào họ sẽ bàn thảo đề xuất này.
Đô đốc Locklear nói rằng Mỹ sẽ không đứng về phía nào nhưng cho biết thêm một bộ qui tắc ứng xử sẽ tạo điều kiện cho hải quân "hiểu được biên giới của những gì họ có thể làm để phục vụ một cách tốt nhất cho một giải pháp hòa bình".
Cần phải kiềm chế
Tuy nhiên ông nói, nhiều khả năng sẽ không có leo thang theo chiều hướng xấu bởi các nước "hiểu rằng đây có thể là một quá trình lâu dài, và họ hiểu cần phải kiềm chế".
Trung Quốc đã và đang tìm kiếm cách giải quyết tranh chấp qua đàm phán song phương, nhưng một số nước muốn có đàm phán đa phương.
"Dường như tôi thấy rằng, khi người ta có cách tiếp cận tập thể thì sẽ khả dĩ hơn về lâu dài", Đô đốc Locklear nói.
"Người ta không thể giải quyết được tình huống phức tạp mà lại chỉ nhận mà lại không chịu cho. Do đó về lâu dài sẽ có sự thỏa hiệp".
Tại Hội nghị Thường niên về an ninh- Đối thoại Shangri La, ở Singapore mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đưa ra thêm nhiều chi tiết về chính sách của chính quyền Obama nhằm tái cân bằng hoạt động ngoại giao và quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Hagel nhấn mạnh rằng, năm 2020 không chỉ 60% lực lượng Hải quân Mỹ sẽ được tập trung vào Thái Bình Dương, mà còn có tới 60% lực lượng không quân, bao gồm sự hiện diện của một số loại phi cơ chiến đấu, cường kích tối tân như F-22 Raptor và F-35 Joint Strike.
Sự kết hợp của công nghệ mới, khái niệm mới và những gì ông gọi là khả năng "thay đổi cuộc chơi" khác sẽ đảm bảo cho người Mỹ có thể tự do hành động ở khu vực trong tương lai.
Phóng viên về quốc phòng và ngoại giao BBC, Jonathan Marcus, nhận định bài phát biểu của ông Hagel đã không thuyết phục được phái đoàn quân sự Trung Quốc tại Hội nghị.
Cuối tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp cấp cao tại California với Tổng thống Mỹ Barack Obama, sự kiện được cho là sẽ thu hút sự chú ý của giới quan sát đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi mà cả hai quốc gia có thể có những cạnh tranh nhất định về quyền lợi cũng như quan tâm chiến lược./.