Mỹ tái cơ cấu hệ thống căn cứ quân sự ở nước ngoài theo hướng nào?

Hàng năm Mỹ chi khoảng 250 tỷ USD để duy trì sự hiện diện quân sự trên phạm vi toàn cầu.

Mới đây, tại Đối thoại Shangri-La (Singapore) Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta phát biểu: “Việc triển khai hải quân tại khu vực sẽ bao gồm 6 tàu sân bay, phần lớn tàu trong các hạm đội tuần dương, khu trục, tàu chiến đấu và tàu ngầm của chúng tôi”.

Theo ông Panetta, vấn đề cắt giảm ngân sách sẽ không ảnh hưởng việc Mỹ đang nỗ lực tái cân bằng quân sự ở khu vực và Lầu Năm Góc có đủ tiền trong dự toán ngân sách 5 năm để đạt được các mục tiêu của mình. Vậy cơ cấu hệ thống quân sự ở nước ngoài sẽ điều chỉnh theo hướng nào đang là câu hỏi lớn được các chiến lược gia quân sự-quốc phòng thế giới và khu vực quan tâm.

Công cụ và biểu tượng của Mỹ

Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) (tháng 5/2011), hệ thống quân sự bao gồm cả công khai và bí mật của Mỹ đặt ở nước ngoài đã lên hơn 1.000 căn cứ, chưa kể các căn cứ “tạm trú”.

Mỗi năm Mỹ duy trì tại các căn cứ ở nước ngoài khoảng 250.000 quân nhân mặc đồng phục và số nhân lực tương đương dưới danh nghĩa dân sự đi cùng, ngoài ra còn có trên 50.000 người bản địa được thuê phục vụ các công việc khác nhau trong các căn cứ quân sự.

Do đó, giới chức lưỡng viện và người dân Mỹ đang gây sức ép với chính quyền của Tổng thống Obama rằng, đã đến lúc rút gọn và đóng cửa phần lớn các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài và đưa binh lính Mỹ trở về nhà, nhằm mục đích tập trung tài chính để giải quyết các vấn đề khó khăn kinh tế ở trong nước, đồng thời giảm những hệ lụy do hệ thống căn cứ ở nước ngoài mang lại cho nước Mỹ.

Theo các chuyên gia, những hệ lụy và thách thức mà Chính phủ Mỹ phải đương đầu, gánh chịu là rất lớn: hàng năm nước này phải chi khoảng 250 tỷ USD để duy trì sự hiện diện quân sự trên phạm vi toàn cầu. Theo đó là những bê bối mà các căn cứ quân sự Mỹ gây ra như, các tệ nạn xã hội, hoạt động quân sự đi kèm hoạt động gián điệp, hệ thống các “nhà tù đen” bí mật giam giữ và tra tấn các “nghi can khủng bố”... đã và đang tạo ra làn sóng bài Mỹ và đây chính là những tác nhân kích hoạt làn sóng khủng bố nhằm vào nước Mỹ.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama và giới chức hàng đầu Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn xác định: “Hệ thống căn cứ quân sự trên toàn cầu của Mỹ là công cụ quan trọng hàng đầu, biểu tượng cho sự thống trị của Mỹ trên thế giới. Hiện nay, xuất phát từ những thách thức trong nước và các khu vực trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các căn cứ quân sự nước ngoài là một phần sống còn để bảo vệ, phát triển các giá trị, lợi ích của Mỹ, đồng thời đây là biện pháp để đảm bảo, củng cố và phát triển các mối quan hệ đồng minh, qua đó giúp Mỹ duy trì vai trò lãnh đạo trên thế giới”.

Không làm suy giảm sức mạnh Mỹ

Các chuyên gia thuộc CSIS đánh giá, trong chính sách của chính quyền Obama tuy không coi trọng chính sách ngoại giao “pháo hạm” như thời Tổng thống Bush, nhưng vẫn “phải duy trì một lực lượng quân sự hùng mạnh nhất hành tinh” và việc có cắt giảm chi tiêu quốc phòng cũng “không làm suy giảm sức mạnh quân sự của nước Mỹ”.

Sự hiện diện các căn cứ quân sự ở nước ngoài của Mỹ vừa là yếu tố thúc đẩy nền tảng của chính sách kinh tế, quốc phòng của Mỹ, vừa là một phương tiện ngăn chặn các nguy cơ xung đột xảy ra trên phạm vi toàn cầu.

Sự hiện diện quân sự của Mỹ còn đem lại nhiều lợi ích ngoại giao: Tuy những hệ lụy do các căn cứ quân sự mang lại có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh của quân đội Mỹ, song quan trọng hơn sự hiện diện đó đã thể hiện một sự cam kết bền chặt của Mỹ với các đồng minh, tạo ra một nền tảng cho quan hệ đối tác ngoại giao bền vững và sự can dự quân sự thường xuyên cũng như công tác đào tạo huấn luyện với nước chủ nhà.

Sự hiện diện quân sự ở nước ngoài còn giúp Mỹ khai thác được các căn cứ hậu cần của các đồng minh và khắc phục được yếu tố khoảng cách có thể chia tách nước Mỹ với các điểm nóng.

Sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ lôi kéo các quốc gia đồng minh và đối tác mới cùng Mỹ chia sẻ gánh nặng về các thách thức. Ngoài ra, các đồng minh và đối tác mới ủng hộ sự có mặt của Quân đội Mỹ ở các khu vực và giúp các quốc gia này hiện đại hoá quốc phòng, qua đó giúp Mỹ phát triển các lợi ích về kinh tế và quốc phòng.

Triển khai quân và tham chiến tiên phong

Ông Randy Forbes, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề chiến lược của Mỹ đánh giá, việc bố trí quân đội Mỹ (Hải, Lục, Không quân) ở vị trí tiền tiêu là cách đảm bảo duy nhất để bảo vệ và phát triển những lợi ích của Mỹ, đồng thời phản ứng nhanh đối với một cuộc khủng hoảng và tái cam đoan với những đồng minh và đối tác rằng: “Triển khai quân tiên phong và tham chiến tiên phong cho phép chúng ta chủ động trong mọi tình thế. Nếu có xung đột giữa các bên... thì sự hiện diện mạnh mẽ ở khu vực của các lực lượng quân sự Mỹ sẽ có tác động ngay lập tức, có thể kịp thời ngăn chặn sự leo thang hoặc nhanh chóng đối phó với hành động gây hấn có hiệu quả.

Các chuyên gia CSIS cho rằng, các hoạt động từ mạng lưới căn cứ ở nước ngoài cho phép lực lượng quân sự Mỹ triển khai nhanh chóng ứng phó với bất cứ cuộc khủng hoảng nào xảy ra, nó không chỉ có tác dụng về quân sự mà còn về chính trị, kinh tế của Mỹ trong thế kỷ XXI. Việc giảm các căn cứ quân sự ở nước ngoài sẽ phá hủy chiến lược của Mỹ, lợi ích toàn cầu của Mỹ sẽ bị đe dọa.

Do đó, chính sách an ninh quốc gia của Mỹ đòi hỏi chúng ta phải duy trì triển khai quân tiên phong và can dự tiên phong. Mỹ phải tiến hành chính sách cắt giảm các căn cứ không còn giá trị chiến lược, điều chuyển và tái cơ cấu lại hệ thống căn cứ quân sự toàn cầu theo yêu cầu chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ, trong đó đề cao tính hiệu quả, tiết kiệm và chia sẻ trách nhiệm của đồng minh.

Như vậy, trong bối cảnh tác động của suy thoái kinh tế buộc Mỹ phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng dẫn đến mâu thuẫn nội bộ về tương lai của hệ thống căn cứ quân sự Mỹ ở nước ngoài. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Obama vẫn xác định “tăng cường khả năng hiện diện quân sự” đặc biệt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương để hỗ trợ chiến lược phát triển các giá trị, lợi ích kinh tế và duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới.

Do đó, Chính phủ Mỹ sẽ tiến hành tái cơ cấu các căn cứ quân sự trên toàn cầu theo hướng tăng cường tính hiệu quả và hướng lôi kéo các đồng minh, đối tác chia sẻ trách nhiệm, giúp Mỹ giảm chi phí. Tuy nhiên, bài toán về cơ cấu hệ thống căn cứ quân sự của Mỹ trên thế giới mới chỉ ra 6 định hướng chung, còn cơ cấu cụ thể vẫn đang là một ẩn số./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên