Mỹ tái khẳng định cam kết với Mỹ Latin và Caribe
VOV.VN - Tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đối tác châu Mỹ vì thịnh vượng kinh tế (APEP) tại thủ đô Washington D.C, Mỹ ngày 3/11, các nước tham gia khẳng định mong muốn biến châu Mỹ thành ngôi nhà của các giá trị và các chuỗi cung ứng khu vực có tính cạnh tranh, toàn diện, bền vững và linh hoạt nhất thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh Đối tác châu Mỹ vì thịnh vượng kinh tế (APEP) diễn ra trong bối cảnh địa chính trị thế giới hết sức phức tạp với cuộc chiến dai dẳng tại Ukraine, xung đột bùng phát tại Trung Đông, căng thẳng Mỹ-Trung chưa có các dấu hiệu giảm nhiệt rõ rệt. Đối tác châu Mỹ vì thịnh vượng kinh tế (APEP) là một sáng kiến khu vực do Mỹ khởi xướng với sự tham gia của 12 nước trong đó có Mỹ, Canada, một số quốc gia khu vực Mỹ Latin và Caribe, hướng tới hợp tác khu vực thúc đẩy đầu tư bền vững, thịnh vượng kinh tế cho Tây bán cầu.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Mỹ Biden cho biết sáng kiến Đối tác châu Mỹ là kết quả của hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ hồi tháng 6 năm ngoái với mục tiêu đầy tham vọng: “Tăng cường tạo ra cơ hội, giảm bớt sự bất bình đẳng, khai thác tiềm năng kinh tế đáng kinh ngạc của châu Mỹ và biến Tây bán cầu trở thành khu vực cạnh tranh kinh tế nhất trên thế giới. Tôi nghĩ rằng tất cả những điều này là nằm trong tầm tay của chúng ta”.
Trước ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ngày càng tăng tại Tây bán cầu, Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng cách tiếp cận đầu tư tương phản rõ rệt với các hoạt động cho vay của Trung Quốc, vốn thường xuyên bị chỉ trích.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các nước láng giềng gần nhất của chúng tôi biết rằng họ có sự lựa chọn thực sự giữa ngoại giao bẫy nợ và các cách tiếp cận minh bạch chất lượng cao đối với cơ sở hạ tầng và phát triển”, ông Biden nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các nước tham gia cũng cam kết xây dựng cách tiếp cận chung đối với khủng hoảng di cư bất hợp pháp trong khu vực với các công cụ kinh tế mới của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ và các nhà tài trợ tư nhân.
Tại Hội nghị, các nước tham gia đã thông qua Tuyên bố chung trong đó xác định 5 mục tiêu xuyên suốt, bao gồm: Tăng cường khả năng cạnh tranh và hội nhập khu vực, Thúc đẩy sự thịnh vượng chung và quản trị tốt, Xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, Bảo vệ khí hậu và môi trường và Thúc đẩy cộng đồng lành mạnh. Ngoài ra, Mỹ cũng công bố hàng loạt các sáng kiến mới trị giá hàng tỷ đô la Mỹ đầu tư cho cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp, nhân lực và các ngành công nghệ số, môi trường và hạ tầng, dịch vụ xã hội hỗ trợ người di cư.
Hội nghị thượng đỉnh mang tính lịch sử này thể hiện một phần chiến lược của Chính quyền Tổng thống Biden nhằm tái khẳng định cam kết với khu vực. Mỹ xác định các nước Mỹ Latin và Caribe là đối tác chiến lược, đẩy mạnh tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại để tạo đối trọng với ảnh hưởng của các nước lớn khác như Trung Quốc và Nga. Giới chức Mỹ kỳ vọng khung hợp tác Đối tác châu Mỹ vì thịnh vượng kinh tế sẽ phát triển thành một diễn đàn thường xuyên mở ra cơ hội thúc đẩy sự cộng tác và hợp tác lớn hơn giữa các quốc gia khu vực.