Mỹ và châu Âu hủy bay tới Israel vì lo ngại tên lửa của Hamas
VOV.VN - Các hãng hàng không lớn trên thế giới đã phải hủy các chuyến bay tới Tel Aviv nhằm tránh một thảm họa bắn rơi máy bay nữa.
Sau thông tin một quả tên lửa của Hamas rơi ngay gần sân bay quốc tế Ben-Gurion ở Tel Aviv, các cơ quan hàng không của Mỹ, Canada và nhiều nước châu Âu đã ra lệnh cấm bay tới Israel nhằm tránh xảy ra một vụ bắn rơi máy bay nữa. Israel sau đó đã phải tuyên bố rằng sân bay Ben-Gurion đã an toàn và cho rằng việc cấm bay là không có cơ sở.
Lực lượng Hamas ở Palestine đến nay đã bắn hơn 2.000 quả tên lửa về phía Israel kể từ 8/7 nhưng hầu hết số tên lửa này không rơi trúng mục tiêu hoặc bị hệ thống phòng thủ Vòm sắt đánh chặn ngay trên không trung.
Theo phát ngôn viên của cảnh sát Israel Luba Samri, quả tên lửa được Palestine bắn hôm 22/7 vừa qua là quả tên lửa rơi gần Ben-Gurion nhất cho đến giờ. Cuộc tấn công này đã khiến một người bị thương và một căn nhà ở gần ngoại ô Tel Aviv bị phá hủy.
Các cơ quan hàng không trên thế giới đã phải hành động ngay lập tức trước thông tin này. Cục Hàng không Liên bang Mỹ ngay lập tức cấm các hãng hàng không nước này bay đến Tel Aviv trong 24 giờ do “lo ngại những nguy cơ xuất phát từ cuộc xung đột vũ trang ở Israel và Gaza”. Ngay sau đó, Cơ quan Hàng không châu Âu đã ban hành thông báo “khuyến cáo mạnh mẽ” các hãng hàng không nên tránh bay tới sân bay Ben-Gurion.
Các hãng hàng không như Lufthansa của Đức, Air France của Pháp, Air Canada của Canada, Alitalia của Italia, Dutch KLM của Hà Lan, EasyJet của Anh, Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ, Aegean Airlines của Hy Lạp đều đã hủy bỏ toàn các chuyến bay tới Tel Aviv vì lý do an toàn trong bối cảnh bạo lực tại khu vực này đang leo thang.
Phản ứng trước lệnh cấm bay, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Israel Yisrael Katz đã kêu gọi Cục Hàng không Liên bang Mỹ phải xem xét lại quyết định của mình. Ông cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt của Israel hoàn toàn có thể bảo vệ được các máy bay dân dụng.
Ông Katz tuyên bố: “Sân bay Ben-Gurion an toàn và được bảo vệ chặt chẽ, do vậy không có lý do gì để các hãng hàng không Mỹ hủy các chuyến bay và “tiếp tay” cho những kẻ khủng bố”.
Các hãng hàng không và hành khách trên toàn thế giới đã phải đề phòng hơn kể từ khi chiếc máy bay của Malaysia Airlines bị bắn rơi ở Ukraina khiến toàn 298 hành khách thiệt mạng. Cho dù các quả tên lửa của Hamas thường không được trang bị bộ phóng nhưng chúng vẫn có thể gây thiệt hại lớn cho máy bay. Vừa qua, trong một cuộc đụng độ tại sân bay ở Tripoli, một quả súng cối của phiến quân đã phá hủy hoàn toàn một chiếc máy bay Airbus A330.
Sân bay Tel Aviv là cửa ngõ chính của Israel với thế giới. Do vậy, lực lượng Hamas đã tuyên bố rằng họ sẽ tấn công vào đây nhằm làm suy yếu Israel./.