Mỹ và châu Âu thận trọng dỡ phong tỏa vì Covid-19 để giảm áp lực lên kinh tế
VOV.VN - Nhằm giảm sức ép lên nền kinh tế của mình, các nước châu Âu và Mỹ bắt đầu nới lỏng phong tỏa Covid-19, nhưng là trong sự thận trọng.
Dù còn nhiều tranh cãi, song nhiều nước châu Âu và khoảng 10 bang tại Mỹ trong tuần này đã bắt đầu nới lỏng dần lệnh phong tỏa nhằm làm giảm sức ép đối với nền kinh tế.
Cho tới nay đây vẫn là phương thức hiệu quả nhất để làm chậm đà lây lan của dịch viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2.
Theo thống kê của hãng tin AFP, dịch bệnh tới nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người trên thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới nhiều lần cảnh báo mọi sự buông lỏng nỗ lực đều có nguy cơ dẫn tới một làn sóng lây nhiễm thứ 2 thậm chí còn tồi tệ hơn.
Bất chấp lệnh của chính quyền bang chỉ cho phép các nhà hàng, bảo tàng, rạp chiếu phim và nhà hát mở cửa lại một phần từ ngày 1/5 tới, song ngay từ hôm qua, nhiều nhà hàng tại bang Georgia, miền Nam nước Mỹ đã bắt đầu hoạt động trở lại. Một số người dân cũng tranh thủ ra đường để mua sắm hay chỉ đơn giản là để gặp gỡ bạn bè. Tại California, những ngày qua, rất nhiều người dân đã đổ ra các bãi biển để tránh nóng khi cho rằng bang này có thể đã đạt được miễn dịch cộng đồng.
Trong khi thế giới đã vượt mốc 3 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 vào ngày 27/4, thì Mỹ tiếp tục nắm giữ kỷ lục đáng buồn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, xét về cả số ca nhiễm và tử vong, với hơn 1 triệu người bị lây nhiễm. Các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard hôm qua cảnh báo, Mỹ vẫn còn xa mới đạt được năng lực truy dấu cần thiết để có thể bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa từ nay đến ngày 1/5.
Chính quyền bang California thì cảnh báo, mọi thành quả đạt được những tuần qua có thể bị phá vỡ nếu người dân tiếp tục chủ quan: “Chúng ta đã đạt được tiến bộ thực sự trong những tuần qua. Tuy nhiên, hình ảnh cuối tuần qua tại các bãi biễn là một ví dụ về những gì không nên thấy và những gì không nên làm nếu chúng ta không muốn phá vỡ những thành quả đạt được.”
Tại New York, tâm dịch Covid-19 tại Mỹ, lệnh phong tỏa sẽ tiếp tục có hiệu lực tới ngày 15/5. Theo một cuộc thăm dò dư luận mới nhất, có tới 87% người dân tại đây ủng hộ quyết định này của chính quyền bang.
Tại châu Âu, một tâm dịch khác của thế giới, trong ngày đầu tiên trở lại làm việc sau hơn 1 tháng điều trị Covid-19, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 27/4 kêu gọi người dân kiên nhẫn. Theo Nhà lãnh đạo này, nước Anh sẽ phải tiếp tục tôn trọng các quy định về cách ly và giãn cách xã hội.
Bộ trưởng Y tế Matt Hancock thì tuyên bố, cuộc chiến chống Covid-19 tại Anh vẫn còn rất dài: “Chúng ta không bao giờ được phép đánh giá thấp những thiệt hại về người, những nỗi đau và mất mát mà dịch Covid-19 gây ra. Đó là một lời nhắc nhở rằng chúng ta phải kiên trì với quyết tâm của mình. Chúng tôi hiểu những tác động mà biện pháp phong tỏa hiện gây ra đối với mỗi người dân, gia đình và nền kinh tế. Chúng tôi hi vọng đất nước sẽ sớm khôi phục hoạt động bình thường sớm nhất có thể”.
Trong khi đó nhiều nước châu Âu khác trong tuần này đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa sau khi ghi nhận những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống Covid-19. Tại Đức và Áo, phần lớn các cửa hàng kinh doanh nhỏ đã hoạt động trở lại, song được yêu cầu tôn trọng tối đa các quy định về giãn cách xã hội và tăng cường sử dụng khẩu trang.
Tại Tây Ban Nha, sau 10 tuần buộc phải ở trong nhà, trẻ em từ cuối tuần qua đã có thể ra ngoài 1 giờ mỗi ngày, song chỉ cách nhà không quá 1km, không được phép chơi đùa với những trẻ em khác, hay ra ngoài mà không có người lớn đi kèm.
Tại Italy, các trường học tiếp tục đóng cửa cho tới tháng 9, song các doanh nghiệp chiến lược đối với nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực đã được phép hoạt động trở lại. Người dân Italy cũng được phép đến thăm nhà người thân, bạn bè song buộc phải đeo khẩu trang.
Tổ chức Y tế Thế giới hôm 27/4 cảnh báo, tình hình chỉ có thể được cải thiện nếu tất cả các nước chịu lắng nghe cơ quan Liên Hợp Quốc này. Nhắc lại cảnh báo đưa ra hôm 30/1 khi thế giới mới chỉ ghi nhận 82 ca mắc Covid-19 bên ngoài Trung Quốc đại lục và không có ca tử vong nào, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố khi đó ông đã khuyến cáo các nước tìm kiếm, xét nghiệp, cô lập và truy dấu tiếp xúc gần với người mắc Covid-19. Theo ông, những nước tôn trọng các khuyến cáo đều có biện pháp phòng ngừa tốt hơn những nước khác./.