Năm 2021: “Indonesia kiên cường, Indonesia phát triển” trong đại dịch
VOV.VN - Từng là ổ dịch của Châu Á với số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục cùng với số ca tử vong xếp hàng đầu thế giới, năm 2021, với phương châm “Indonesia kiên cường, Indonesia phát triển”, quốc gia Đông Nam Á này đã khống chế thành công đại dịch, tiếp tục nỗ lực trên con đường phát triển quốc gia.
Indonesia “kiên cường” dù từng là ổ dịch của Châu Á năm 2021
Indonesia bước vào năm 2021 với các ca mắc và tử vong do Covid-19 tại Indonesia tăng đột biến, đặc biệt tại đảo Java, hòn đảo đông dân nhất nước và đảo du lịch Bali khiến Chính phủ Indonesia quyết định thực hiện các giới hạn xã hội quy mô lớn. Vào thời điểm này, mỗi ngày Indonesia ghi nhận hơn 10.000 ca mắc mới cùng với tỷ lệ tử vong ngày một tăng. Các nghĩa trang và bệnh viện chỉ định về Covid-19 trên toàn quốc, đặc biệt ở đảo Java và Bali đều trong tình trạng quá tải. Indonesia lọt top 5 quốc gia có số nhân viên y tế tử vong nhiều trên thế giới. Nền kinh tế Indonesia tiếp tục rơi vào suy thoái sau 4 quý tăng trưởng âm liên tiếp, bao gồm quý 1 năm 2021.
Sau khi giới hạn xã hội, đóng cửa biên giới với tất cả các quốc gia để ngăn chặn biến thể mới của virus Sars-CoV-2 xâm nhập, không chần chừ, Chính phủ Indonesia đã lập tức triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia vaccine Covid-19 miễn phí. Với chính sách “ngoại giao vaccine” nhanh chóng, Indonesia đã sớm có đủ nguồn cung vaccine. Vào thời điểm này, Indonesia đặt mục tiêu đến năm 2022 tiêm chủng cho 181 triệu dân để đạt miễn dịch cộng đồng và nền kinh tế đã có khởi sắc khi đạt tăng trưởng dương 7% vào quý 2 năm 2021.
Tuy nhiên biến thể Delta xuất hiện làm tình hình đại dịch Indonesia trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết và nhấn chìm mọi nỗ lực chống dịch của nước này. Giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8, đại dịch Covid-19 đạt đỉnh điểm của làn sóng thứ hai, được đánh dấu bằng số ca mắc mới trên 50.000 ca mỗi ngày.
Số ca mắc Covid-19 ở Indonesia trong tháng 7 là 1,2 triệu ca, chiếm 1/3 tổng số ca mắc trong hơn 1 năm rưỡi kể từ khi đại dịch bùng phát tại Indonesia vào tháng 3 năm ngoái. Biến thể Delta làm trầm trọng các triệu chứng của bệnh nhân, tấn công cả vào trẻ em, khiến hệ thống y tế ở Indonesia bị choáng ngợp và rơi vào tình trạng sụp đổ “chức năng”.
Cuộc khủng hoảng ô xy khiến ngành y tế bên bờ vực của thảm họa. Quá tải và kiệt sức, các bác sĩ và y tá ở Indonesia cũng trở thành nạn nhân của Covid-19 với số ca tử vong trong 2 tuần đầu tháng 7 đã tăng gấp đôi so với tháng trước đó, mặc dù, hầu hết các nhân viên y tế đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19. Thời điểm này, dịch bệnh cũng đã gây ra một cuộc khủng hoảng xã hội lớn cho Indonesia khi hàng ngàn đứa trẻ trở thành mồ côi, thất học và 30% dân số rơi vào cảnh nghèo đói.
Vào thời điểm này, Indonesia quyết định tăng mục tiêu tiêm chủng lên 208 triệu dân thay vì 180 triệu dân như trước đó, bao gồm cả trẻ em để chống lại các biến thể mới. Đồng thời chính phủ Indonesia đưa ra các biện pháp Giới hạn các hoạt động xã hội theo từng cấp độ, đưa vào sử dụng ứng dụng giám sát y tế và tiêm chủng PeduliLidungi làm điều kiện cho sự di chuyển của xã hội.
Chính sách “Ga và Phanh” nhằm kiểm soát đại dịch
Lãnh đạo con thuyền quốc gia vượt qua những khó khăn trong đại dịch, Tổng thống Joko Widodo đã đưa ra những định hướng rõ ràng và chắc chắn để chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng. Cụ thể là chính sách "ga và phanh" cùng sự kiên cường, dũng cảm của toàn thể người dân Indonesia. Bàn đạp phanh được nhấn khi tỷ lệ tích cực tăng vọt. Bàn đạp ga được tối ưu hóa khi tình huống cho phép.
Chính sách này được áp dụng linh hoạt với từng địa phương theo từng cấp độ. Cứ như vậy, nguyên tắc đơn giản này được chứng minh một cách đúng đắn khi đến đầu tháng 10, từ chỗ là ổ dịch Châu Á, Indonesia đã không còn vùng đỏ dịch Covid-19. Bộ trưởng điều phối hàng hải và đầu tư Indonesia, Luhut Binsar Pandjaitan tin rằng bằng cách này, Indonesia có thể đối mặt với mọi tình huống từ đại dịch cho đến căn bệnh đặc hữu sau này.
Cũng theo Bộ trưởng Indonesia, sự trợ giúp, hợp tác của quốc tế là điều vô cùng cần thiết trong cuộc chiến chống đại dịch chung của toàn cầu. Indonesia đánh giá cao mọi hình thức hỗ trợ từ nước ngoài trong đại dịch, đồng thời sẵn sàng chia sẻ khi các quốc gia khác cần sự giúp đỡ.
Không chỉ vậy, thông qua Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và là đồng Chủ tịch nhóm COVAX (cơ chế tài chính được thiết lập để đảm bảo các công ty dược phẩm lớn cung cấp vaccine phòng Covid-19 với giá phải chăng cho các nước nghèo), Indonesia luôn kêu gọi sự hỗ trợ của tất cả quốc gia đối với cơ chế chia sẻ vaccine COVAX như một nền tảng toàn cầu duy nhất đảm bảo quyền tiếp cận vaccine bình đẳng cho mọi người dân.
Những bước đi của chính phủ không tách rời sự lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên gia, những nhà dịch tễ học và cả ý kiến của người dân. Để đưa ra các tính toán phù hợp, mỗi tỉnh thành của Indonesia có một chuyên gia giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sach của chính phủ. Nhà dịch tễ học này phối hợp với quân đội, cảnh sát, nhiếp chính để có báo cáo tổng thể về tình hình đại dịch mỗi ngày.
Theo Bộ trưởng Y tế Indonesia, Budi Gunadi Sadikin, số ca mắc Covid-19 ở Indonesia được cải thiện nhanh chóng là do nhiều người Indonesia đã có khả năng miễn dịch từ vaccine hoặc miễn dịch tự nhiên. Bộ Y tế Indonesia đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để chuẩn bị Điều tra tỷ lệ cân bằng huyết thanh trên cả nước nhằm cung cấp một bức tranh toàn cảnh về tình trạng kháng thể của người dân Indonesia, trở thành cơ sở cho việc hoạch định các chính sách trong tương lai.
Indonesia hiện là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19. Tính đến ngày 25/12/2021, thành tích tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Indonesia đã đạt 53% mục tiêu đề ra với 108 triệu dân từ 6 tuổi trở lên đã hoàn thành tiêm chủng.
Indonesia nỗ lực phát triển trong đại dịch
Nhờ các chính sách đa chiều trên, Indonesia hiện đã kiểm soát thành công đại dịch, Kể từ tháng 10, số ca mắc Covid-19 liên tục giảm. Trong tháng 12, số ca mắc Covid-19 tại Indonesia duy trì ở mức 200-300 ca mắc mới mỗi ngày. Cuối tháng 10, Indonesia mở cửa do du khách quốc tế và rút ngày cách ly xuống 3 ngày nhằm thu hút khách du lịch, khôi phục kinh tế.
Từ chỗ tìm hiểu kinh nghiệm các quốc gia trong phòng chống dịch, Indonesia giờ đây là một tài liệu sống cho các nước trong việc học hỏi kinh nghiệm vượt qua đại dịch bằng chiến lược nhiều lớp. Từ một nền kinh tế tăng trưởng âm, rơi vào bờ vực suy thoái, Indonesia đã vực dậy với dự báo tăng trưởng dương 4% cho năm 2021. Indonesia trở thành quốc gia có khả năng phục hồi sau dịch cao nhất Đông Nam Á theo bảng xếp hạng của Nikkei Asia hồi tháng 10. Sự phục hồi kinh doanh tại Indonesia đã đạt đến 91% vào tháng 10 năm 2021.
Các sự kiện lớn trong nước và quốc tế đã được Indonesia đăng cai tổ chức như Đại hội thể thao quốc gia PON lần thứ XX, giải đua xe mô tô World Superbike và một loạt các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 mà Indonesia là quốc gia Chủ tịch.
Đầu tháng 12, Tổng thống Indonesia, Joko Widodo tự hào thông báo, Indonesia là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới đã kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 ở cấp độ. Đây cũng là một trong năm quốc gia có liều lượng tiêm chủng vaccine Covid-19 hoàn chỉnh cao nhất trên thế giới.
Tuy nhiên đứng trước nguy cơ của biến thể mới Omicron đã xâm nhập Indonesia vào những ngày cuối năm, Indonesia lại tiếp tục “nhả ga, đạp phanh” để ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới với những chiến lược nhiều lớp. Số ngày cách ly cho du khách quốc tế quay trở về mốc cách ly kiểm dịch 10 ngày.
Không còn là ổ dịch nhưng Indonesia vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch ở Đông Nam Á với hơn 4,2 triệu người mắc Covid-19 và hơn 144.000 người đã tử vong. Bên cạnh đó, nguy cơ bùng phát những đợt dịch mới vẫn còn hiện hữu. Do vậy, toàn xã hội Indonesia đang chung tay không chế dịch bệnh, hướng tới một căn bệnh đặc hữu, đồng thời tiếp tục lộ trình phát triển đất nước trong ngắn hạn và dài hạn như chính chủ đề mà Chủ tịch G20 Indonesia đưa ra “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”./.