Nga bán S-400 cho Trung Quốc: Vũ khí tối tân cho “đối tác chiến lược”
VOV.VN- Trung Quốc sẽ trở thành đối tác nước ngoài đầu tiên được mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.
Ngày 13/4/2015, CEO của Tập đoàn xuất khẩu vũ khí của Nga Rosoboronexport, Anatoly Isaikin, đã lên tiếng xác nhận với tờ Kommersant rằng, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên mua được hệ thống S-400 từ Nga và điều này “càng nhấn mạnh mức độ chiến lược trong mối quan hệ Nga- Trung”.
Theo tờ Diplomat, trước đó, hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, được nâng cấp từ hệ thống S-300, vốn chỉ được trang bị cho Bộ Quốc phòng Nga.
Được Nga sử dụng từ năm 2007, hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 có khả năng bắn được 3 loại tên lửa khác nhau và có thể cùng một lúc tấn công tới 36 mục tiêu.
Hệ thống S-400 cũng có khả năng bắn hạ máy bay, các thiết bị bay không người lái và các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trong phạm vi khoảng 400km.
Trước đó, tháng 4/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn trên nguyên tắc việc bán hệ thống S-400 cho Trung Quốc.
Bình luận về sự kiện này, ông Zachary Keck, Biên tập viên cao cấp, tạp chí Diplomat nhấn mạnh: “Dù các cuộc đàm phán đang diễn ra, nhiều người cho rằng Nga sẽ từ chối không bán hệ thống tên lửa đất đối không S-400 cho Trung Quốc vì nhiều lý do khác nhau.
Lý do đầu tiên là bởi, có những thông tin cho rằng Nga có ý định không bán hệ thống S-400 cho nước ngoài cho đến khi quân đội nước này được cung cấp đầy đủ hệ thống này (dự tính đến cuối thập kỷ này). Ngoài ra, giới quân sự Nga lo ngại Trung Quốc chỉ mua một vài hệ thống để “ăn cắp” công nghệ rồi tự phát triển hệ thống của mình.
Tuy nhiên, có vẻ như Nga đã quyết định bán hệ thống này cho Trung Quốc bất chấp lo ngại nói trên. Chi tiết của thỏa thuận này vẫn chưa được tiết lộ, nhưng những thông tin trước đó cho biết, Trung Quốc “đã chi ít nhất 3 tỷ USD để mua 6 hệ thống S-400, mỗi hệ thống này đều có 8 bệ phóng tên lửa”.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã từng mua hệ thống S-300 của Nga và kể từ tháng 8/2008, Trung Quốc đã có 40 hệ thống S-300 và 60 hệ thống HQ 15/18s, một hệ thống tương đương với S-300 do Trung Quốc tự chế.
Chuyên gia quân sự Nga Igor Korotchenko nhận định: “Có 2 cách Trung Quốc sử dụng hệ thống S-400. Họ có thể sử dụng S-400 để bảo vệ khu vực đầu não là thủ đô Bắc Kinh và các vùng biển của họ. Bằng việc mua S-400 của Nga, Trung Quốc đang cho thấy họ đầu tư mạnh vào an ninh quốc phòng”.
Ông Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cũng cho rằng, hệ thống S-400 sẽ được đặt tại các trung tâm chính trị và quân sự hàng đầu của Trung Quốc, hiện được bảo vệ bởi hệ thống tên lửa S-300 của Nga và HQ-9 do nước này tự chế.
“Hệ thống S-400 có thể bắn hạ các tên lửa đạn đạo, loại vũ khí có khả năng gây ra những mối đe dọa lớn đối với các mục tiêu của chúng”, ông Wezeman nhận định.
Ông Wezeman cũng nói thêm rằng, hệ thống S-400 có tầm bắn xa hơn đáng kể so với hệ thống S-300 nên Bắc Kinh có thể sử dụng hệ thống này để bảo vệ không phận Đài Loan, khu vực vùng biển phía Đông của nước này và Biển Đông.
Ông Vassily Kashin, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ có trụ sở tại Moscow cho biết, hệ thống S-400 của Nga có tầm bắn lên đến 400km. Điều này có nghĩa là Trung Quốc cũng có thể sử dụng hệ thống này để bắn hạ các mục tiêu trên biển Hoa Đông.
“Ngay cả khi được đặt trong đất liền, hệ thống tên lửa này hoàn toàn có thể bắn hạ các mục tiêu trong khu vực đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku”, ông Kashin khẳng định.
Ông Wezeman nhận định, việc Trung Quốc mua hệ thống tên lửa S-400 có thể làm thay đổi sự cân bằng về sức mạnh trong khu vực. Tuy nhiên, ông cho rằng, sự thay đổi này là không đáng kể.
“Tôi cho rằng, các quốc gia trong khu vực sẽ phải cân nhắc điều này và tìm ra cách đối phó (có thể là mua những loại vũ khí chống lại hệ thống S-400 như máy bay chiến đấu tàng hình, tên lửa né radar, tên lửa đất đối đất tầm xa hoặc hệ thống chiến tranh điện tử)”, ông Wezeman nhận định./.