Nga, Trung nhận được gì từ thương vụ S-400?
Thương vụ tổ hợp phòng không tân tiến S-400 mà Nga bán cho Trung Quốc đang được phân tích "mổ xẻ" dưới góc độ lợi ích địa-chính trị.
Hôm 19/11, một quan chức ngoại giao Trung Quốc lên tiếng ủng hộ việc Crimea sáp nhập vào Nga. "Chúng tôi phản đối bất kì một nền độc lập nào dựa trên trưng cầu dân ý. Nhưng Crimea là một ngoại lệ. Chúng tôi thông hiểu lịch sử của việc sáp nhập Crimea”, ông Gui Congyou, Vụ trưởng Vụ châu Âu và Trung Á Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu. Đến ngày 24/11, xuất hiện thông tin cho là Moskva đồng ý chuyển giao cho Trung Quốc các tổ hợp S-400.
Liệu Moskva và Bắc Kinh đã theo đuổi một tiến trình như vậy? Để hiểu điều này, cần phải nhớ rằng Trung Quốc đang rất cần S-400 và họ cũng có điều kiện để mặc cả với Nga. Nguyên lý như sau: Trung Quốc giành cho Nga sự hậu thuẫn mạnh mẽ (điều mà Moskva rất cần) và đổi lại Nga cung cấp vũ khí cho Trung Quốc.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Li Jie nhìn nhận, việc sở hữu S-400 sẽ nhanh chóng tăng cường tiềm lực phòng thủ tên lửa, giúp Trung Quốc tiếp cận được các công nghệ mới. “Đây là hệ thống phóng thẳng đứng, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu từ mọi hướng, kể cả máy bay và tên lửa. Đặc biệt, S-400 rất thích hợp cho các hoạt động đánh chặn trong điều kiện có can thiệp tác chiến điện tử dưới mặt đất. Đó là ưu thế rất quan trong trong chiến tranh tương lai… Trong điều kiện thiếu hụt trầm trọng nguồn vốn đầu tư vì các lệnh cấm vận của phương Tây, Nga sẽ phải cần đến sự giúp đỡ của Trung Quốc”, chuyên gia này nhìn nhận.
Giới nghiên cứu Nga lại có cách nhìn nhận khác so với ông Jie. “Trung Quốc là bên được lợi lớn nhất trong sự dịch chuyển địa chính trị thế giới. Nước này sẽ đạt được các mục tiêu đề ra với sự hỗ trợ của Nga”, giáo sư Mikhail Karpov, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc đánh giá.
Andrei Devyatov, Phó Giám đốc Viện hợp tác chiến lược Nga - Trung thì cho rằng: “Việc có được S-400 là do Trung Quốc chớp được thời cơ khi nước Nga bị vướng vào bẫy dollar. Chính Nga đã phải bán hệ thống này cho Trung Quốc”, ông Devyatov bày tỏ. Thế nhưng, 3 tỉ USD đó cũng chỉ tương đương với khoản tiền phạt từ việc Pháp không giao tàu Mistral cho Nga và nó cũng không giúp Nga giải quyết vấn đề thanh khoản của đồng USD.
Hồi mùa xuân vừa qua, tờ Kommersant (Thương nhân/Nga) đưa tin, Tổng thống Vladimir Putin đã cho phép chuyển giao S-400 cho Trung Quốc. Đến mùa hè, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống, ông Sergei Ivanov nói rằng Trung Quốc sẽ là khách hàng đầu tiên mua được S-400 và lô hàng đầu tiên sẽ được chuyển giao vào năm 2016. Năm 2010, Nga đã mua 15 tiểu đoàn tên lửa S-300 của Nga, mỗi tổ hợp có thể phóng 12 tên lửa đánh chặn cùng lúc. Tuy nhiên, hệ thống này không thể kiểm soát vùng trời Đài Loan, điều mà S-400 làm được./.