Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công
VOV.VN - Nga cho rằng, đây là việc làm cần thiết để bảo vệ người dân, bảo vệ lãnh thổ và lợi ích quốc gia trong một số trường hợp cụ thể.
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin ngày 11/12 cho biết, Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công thông thường và coi vũ khí hạt nhân là công cụ “cân bằng tuyệt vời”, làm giảm khả năng bị xâm lược.
Ngày 27/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, 22 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sẽ được bổ sung vào kho vũ khí hạt nhân của Nga trong năm 2014. |
Tuyên bố của Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin về việc Nga sẵn sàng thay đổi học thuyết quân sự của nước này, cho phép khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân đáp trả một cuộc tấn công phi hạt nhân được cho là để đáp ứng mối quan tâm của Moscow với các vũ khí thông thường thế hệ mới của Mỹ.
Các loại vũ khí thông thường đang được Mỹ phát triển theo chương trình mang tên gọi “tấn công toàn cầu chớp nhoáng” có khả năng tiêu diệt bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới chỉ trong vài giờ với độ chính xác cao.
Nước Nga hiện đã tụt lại phía sau so với Mỹ trong cuộc chạy đua phát triển các loại vũ khí thông thường chiến lược. Nga cáo buộc rằng, việc Mỹ phát triển các loại vũ khí như vậy sẽ gây mất ổn định trên thế giới.
Ông Rogozin trả lời các cơ quan thông tấn Nga cho biết: “Những người thử nghiệm các loại vũ khí chiến lược phi hạt nhân nên nhớ rằng, nếu chúng tôi bị tấn công, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng đến vũ khí hạt nhân trong những tình huống nhất định để bảo vệ người dân, bảo vệ lãnh thổ và lợi ích của đất nước”.
Ông Rogozin nói thêm: “Chúng tôi chưa bao giờ đánh giá thấp vai trò của vũ khí hạt nhân… Nó mang lại sự cân bằng tuyệt vời”.
Phản ứng trước tuyên bố trên của phía Nga, một quan chức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels nói: “NATO đã nhiều lần tuyên bố rằng, chúng tôi không coi Nga như kẻ thù. Năm ngoái, tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Chicago, các nhà lãnh đạo NATO đã khẳng định mong muốn được chứng kiến một mối quan hệ đối tác chiến lược thực sự NATO – Nga”.
Vị quan chức này cũng cho biết thêm: “NATO cam kết thực hiện những nguyên tắc đặt ra trong Đạo luật sáng lập Hội đồng Nga – NATO, và mong muốn làm việc hiệu quả với Nga về một loạt các vấn đề mà 2 bên cùng quan tâm”.
Tuyên bố của ông Rogozin được đưa ra 1 ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang đầy tham vọng của Nga và mở rộng sự hiện diện quân sự của Nga ở khu vực Bắc Cực.
Tổng thống Putin đã chỉ ra rằng, nước Nga cần phải cảnh giác với sự có mặt của hải quân Mỹ ở Bắc Băng Dương vì tên lửa Mỹ sẽ chỉ mất 15-16 phút để bay đến Moscow từ một tầu ngầm ở vùng biển Barents.
Nga lâu nay vẫn phản đối kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu do Mỹ đứng đầu do lo ngại nó sẽ đe dọa nền an ninh nước này.
Hệ thống phòng thủ tên lửa này được lên kế hoạch lắp đặt ở châu Âu nhằm chống lại các nguy cơ tấn công từ bên ngoài, như Iran và các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, Nga cho rằng hệ thống đó đe dọa an ninh của Nga./.