Nga dọa triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu
VOV.VN - Ngày 13/12, Nga cho biết họ có thể buộc phải triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu để đáp trả kế hoạch tương tự của NATO.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin RIA, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo nước này có thể buộc phải hành động nếu phương Tây từ chối tham gia Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ở châu Âu.
Cảnh báo của ông Ryabkov được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây tiếp tục leo thang căng thẳng về hàng loạt vấn đề trong đó có vấn đề Ukraine. Nga đang yêu cầu sự đảm bảo an ninh từ phương Tây trong khi Mỹ và các đồng minh cảnh báo Moscow từ bỏ ý đồ tấn công Ukraine. Trong khi đó, ông Ryabkov phủ nhận ý định tấn công Ukraine của Nga.
Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được Mỹ và Liên Xô ký năm 1987 cấm hai bên triển khai tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất với tầm bắn 500-5.500 km tại châu Âu. Hiệp ước từng được đánh giá là biện pháp nhằm xoa dịu căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi INF vào năm 2019 sau khi cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước.
Ông Ryabkov nói rằng có dấu hiệu cho thấy NATO đang tiến gần hơn đến việc triển khai lại các tên lửa tầm trung, trong đó có việc khôi phục Bộ Tư lệnh Pháo binh số 56 vào tháng 11, nơi vận hành tên lửa tầm trung Pershing có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh.
“Không có tiến triển về giải pháp chính trị và ngoại giao sẽ buộc Nga phải đáp trả bằng biện pháp quân sự. Đó sẽ là một cuộc đối đầu”, ông Ryabkov nói.
NATO khẳng định Mỹ sẽ không triển khai thêm tên lửa ở châu Âu và sẵn sàng đối phó Nga bằng những biện pháp chỉ liên quan đến vũ khí thông thường.
Tuy nhiên, ông Ryabkov nói rằng Nga “hoàn toàn thiếu tin tưởng” vào NATO.
“Họ không cho phép bản thân làm bất cứ điều gì để đảm bảo an ninh cho Nga. Họ tin rằng có thể hành động theo yêu cầu và lợi thế và chúng tôi phải chấp nhận điều đó. Chuyện này sẽ không được tiếp diễn”, ông Ryabkov nêu rõ./.