Nga không cần phải e ngại “con hổ giấy” NATO
VOV.VN - Tổng thống Nga hiểu rằng, việc NATO điều binh ở Đông Âu “không mang nhiều ý nghĩa”.
Giáo sư Jeffrey Addicott, Giám đốc Trung tâm Luật chống khủng bố thuộc Đại học St Mary tại Texas trả lời phỏng vấn của RIA Novosti ngày 17/4 cho rằng, Nga không cần quan tâm đến việc NATO tăng cường hiện diện ở Đông Âu vì hành động này chỉ mang tính biểu tượng chứ không phải mối đe dọa thực sự cho nước Nga.
Tổng hành dinh NATO ở Brussels, Bỉ (Ảnh: RIA Novosti) |
Giáo sư Addicott nói: “Ông Putin hiểu rõ, NATO chỉ là một con hổ giấy. Nhà lãnh đạo của Nga cũng biết rằng việc NATO điều thêm tàu và máy bay đến Đông Âu thực sự không có nhiều ý nghĩa”.
Trong buổi đối thoại trực tiếp với người dân Nga trong gần 4 giờ trên truyền hình hôm 17/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Nga không e ngại trước việc NATO tăng cường hiện diện ở Đông Âu. Ông Putin cũng cho rằng, cả Nga và NATO đều không mong muốn tạo ra một bầu không khí thù địch trong khu vực.
Nhận định về những động thái của Tổng thống Putin, Giáo sư Addicott cho rằng, ông Putin đã đánh giá đúng và hiểu cặn kẽ tình hình địa chính trị hiện nay.
Ông Addicott nói: “Hiểu được rằng NATO mà thực chất là tổ chức thể hiện ý chí của Mỹ, ông Putin đã đọc được chính xác thông điệp mà NATO gửi gắm thông qua hoạt động triển khai lực lượng bổ sung. Ông ấy nhận ra rằng, việc làm này không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào với Nga”.
Giáo sư Addicott cũng cho rằng, mặc dù NATO sẽ tiếp tục duy trì hiện diện quân sự ở các nước thành viên như Ba Lan và các quốc gia Đông Âu khác nhưng họ sẽ không thực hiện bất kỳ một động thái gây hấn nào.
Lý giải cho nhận định trên, ông Addicott nói: “Nhiều quốc gia ở châu Âu không có một quân đội thực sự, họ không đầu tư kinh phí xây dựng quân đội. Vũ khí của họ đã lỗi thời, hoạt động huấn luyện không được chú trọng, khả năng tác chiến yếu kém, năng lực chiến đấu của binh sỹ cũng như năng lực chỉ huy bị hạn chế”.
Addicott nhấn mạnh rằng: “Các nước NATO không chuẩn bị để chiến đấu cho bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai và đương nhiên, sẽ không có chuyện họ gây chiến với Nga vì Ukraine”.
Mối quan hệ giữa Nga và NATO trở nên căng thẳng sau khi Crimea sáp nhập trở lại Nga hồi tháng trước. Ngày 16/4, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã tuyên bố sẽ đẩy mạnh tuần tra và tăng cường sự hiện diện quân sự của khối này ở Đông Âu – một động thái được cho là gây sức ép với Nga trong việc giải quyết căng thẳng hiện nay ở Ukraine.
Phát biểu tại Brussels, ông Rasmussen nói: “Chúng tôi sẽ điều thêm máy bay tuần tra trên bầu trời, tàu tuần tra trên biển và sẵn sàng điều động thêm lực lượng trên mặt đất”.
Đáp trả, Đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Alexander Grushko cho biết, Nga sẽ áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo an ninh và sự ổn định của nước Nga./.