Nga không hài lòng với phản ứng của NATO và EU đối với sáng kiến an ninh
VOV.VN - Bộ Ngoại giao Nga hôm nay (11/2) cho biết không thể chấp nhận việc Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa ra phản ứng tập thể đối với sáng kiến an ninh của Nga, trong khi Moskva gửi yêu cầu cho từng nước.
Vào cuối tháng 1, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã gửi một bức thư cho những người đồng cấp phương Tây với yêu cầu các nước thành viên EU và NATO giải thích cách các quốc gia tuân thủ các cam kết của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), đặc biệt là nguyên tắc an ninh không chia cắt, mà theo đó an ninh của một quốc gia không thể được cung cấp với chi phí của một quốc gia khác.
Đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu Josep Borrell đã gửi phản hồi của các tổ chức này đối với thông điệp của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về việc các nước phương Tây thực hiện nguyên tắc an ninh bình đẳng và không chia cắt.
Theo bà Maria Zakharova, trong tài liệu nhận được không có phản ứng đáng kể nào đối với câu hỏi được đặt ra, thay vào đó, Nga được đề nghị tiến hành một vòng thảo luận mới về vấn đề này.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga lập luận rằng, Hiến chương về An ninh châu Âu năm 1999 và Tuyên bố Astana năm 2010, được thông qua ở cấp cao nhất trong OSCE, nêu rõ ràng rằng “không một quốc gia, một nhóm quốc gia hoặc tổ chức nào có thể được giao trách nhiệm chính trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong OSCE”. Trong khi đó, NATO và EU khẳng định vai trò hàng đầu của mình trong việc đảm bảo an ninh ở khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương.
Nhà ngoại giao Nga cho rằng, cách tiếp cận này là không thể chấp nhận được đối với Nga, đồng thời kêu gọi các đối tác tôn trọng các cam kết của mình.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng, Nga không thể chấp nhận câu trả lời "tập thể " giống như "trách nhiệm chung", cho biết chờ phản ứng chi tiết của từng quốc gia mà phía Nga đã đặt ra (gồm 37 quốc gia EU và Bắc Mỹ). Phía Nga cũng cho rằng không cần thiết phải tiến hành thảo luận về vấn đề an ninh không chia cắt của châu Âu bởi nguyên tắc này được ghi nhận trong các văn kiện cơ bản của OSCE và Nga-NATO, được thông qua ở cấp cao nhất./.