Nga lên tiếng về thoả thuận giữa Đức và Mỹ về dự án Dòng chảy phương Bắc 2
VOV.VN - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga cho biết chủ đề này là một ưu tiên trong chương trình nghị sự của hai nước Đức và Mỹ, tuy nhiên Nga không có thông tin chi tiết.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov, ngày 21/7 bình luận về cuộc đàm phán giữa Đức và Mỹ về dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2, cho rằng chủ đề này là một ưu tiên trong chương trình nghị sự của Đức và Mỹ nhưng Nga không có thông tin chi tiết.
“Chúng tôi biết rằng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của các cuộc tiếp xúc giữa Đức và Mỹ. Chúng tôi biết rằng, hai bên đã đạt được một số hiểu biết nhất định. Tuy nhiên, chúng tôi không có thông tin chi tiết” - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga cho biết.
Trước đó cùng ngày, Thời báo The Wall Street Journal đưa tin rằng Mỹ và Đức có thể công bố một thỏa thuận về Dòng chảy phương Bắc 2. Theo đó, chính quyền Mỹ sẽ không còn phản đối dự án này. Về phần mình, Đức sẽ cam kết giúp Ukraine về các dự án năng lượng và ngoại giao. Thỏa thuận đạt được sẽ chấm dứt căng thẳng giữa hai đồng minh Mỹ và Đức, đồng thời cho phép hoàn thành việc xây dựng đường ống dẫn khí của Nga.
Ngoài ra, tờ Politico đưa tin rằng Mỹ đã yêu cầu Ukraine kiềm chế, không bày tỏ sự không hài lòng với thỏa thuận Dòng chảy phương Bắc 2. Theo công bố, các quan chức Mỹ chỉ ra rằng việc công khai phản đối thỏa thuận có thể gây tổn hại cho quan hệ song phương giữa Washington và Kiev.
Trước đó, ngày 16/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Mỹ và Đức có ý kiến khác nhau về dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho biết có sự khác biệt về lập trường của hai nước, nhưng nhấn mạnh rằng cả Mỹ và Đức đều coi việc duy trì quá cảnh khí đốt qua Ukraine là điều quan trọng.
Dòng chảy phương Bắc 2 được xây dựng từ Nga đến Đức nằm dưới Biển Baltic với mục đích cung cấp khí đốt trực tiếp cho châu Âu. Các nước EU chủ yếu hỗ trợ và tham gia thực hiện dự án, trong khi các nước Baltic, Ba Lan, Mỹ và Ukraine bày tỏ phản đối./.