Nga nêu cảnh báo đỏ trước động thái mang tính bước ngoặt của Mỹ ở Ukraine
VOV.VN - Mỹ hôm qua (25/11) chính thức xác nhận đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga. Đây được xem là sự thay đổi mang tính bước ngoặt của Washington và có thể khiến xung đột leo thang nhanh chóng. Trước sự thay đổi này, Nga đã lập tức đưa ra cảnh báo đỏ.
Phát biểu trước báo giới, Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby nhấn mạnh: "Họ có thể sử dụng tên lửa để tự vệ ngay lập tức nếu cần. Chúng tôi đã thay đổi hướng dẫn và chỉ cho họ rằng họ có thể sử dụng chúng để tấn công các loại mục tiêu cụ thể trong và xung quanh Kursk”.
Đây là lần đầu tiên Mỹ công khai xác nhận đã dỡ bỏ hạn chế, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Washington viện trợ để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga. Trước đó vào ngày 17/11, tờ New York Times cũng đã đưa tin về vấn đề này. Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell xác nhận, Mỹ đã dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng tên lửa do nước này cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga trong phạm vi lên tới 300 km.
Động thái của Mỹ được giới truyền thông và phân tích nhận định là sự thay đổi mang tính bước ngoặt có thể khiến xung đột tại Ukraine lan rộng hơn và làm thay đổi cục diện chính trị thế giới. Mỹ và các đồng minh phương Tây trước đó đã cung cấp rất nhiều hệ thống vũ khí cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra đầu năm 2022 song vẫn không cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga do lo ngại trở thành một bên trong xung đột và khiến tình hình leo thang.
Trước sự chuyển đổi lập trường của Mỹ, Nga đã lập tức đưa ra cảnh báo đỏ. Khi trả lời câu hỏi liệu Nga có đang cân nhắc triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở các nước châu Á hay không, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã nói rằng, số phận của lệnh cấm triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn của Nga phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách của Mỹ. Ông đồng thời nhấn mạnh, Nga sẽ không cho phép an ninh của mình bị xâm phạm.
"Tất nhiên, đây là một trong những phương án đã được nhắc đến nhiều lần. Sự xuất hiện của những hệ thống như vậy của Mỹ ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới sẽ quyết định các bước đi tiếp theo của chúng tôi, kể cả trong lĩnh vực tổ chức phản ứng quân sự và kỹ thuật quân sự. Tổng thống Vladimir Putin đã nói những gì cần nói. Những gì đang xảy ra phụ thuộc hoàn toàn vào lựa chọn mà đối phương của chúng ta sẽ đưa ra vào thời điểm cực kỳ đáng báo động rất nguy hiểm này và vào đường lối mà họ sẽ theo đuổi".
Trong khi đó, cùng ngày, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al Arabiya, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng, việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga đã "vượt qua bất kỳ ranh giới đỏ nào”.
Trước đó, ngay sau khi Ukraine được Mỹ cởi trói, Nga đã phê duyệt học thuyết hạt nhân sửa đổi, trong đó bảo lưu quyền cân nhắc đáp trả hạt nhân đối với một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa chủ quyền của mình. Nga sau đó cũng đã lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo bội siêu thanh Oreshnik sang lãnh thổ Ukraine trong động thái nhằm đáp trả diễn biến trên.
Tổng thống Nga Putin trong một tuyên bố đã gọi đây là cuộc thử nghiệm vũ khí mới trong chiến đấu và hoạt động này sẽ tiếp tục tùy vào tình hình. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhấn mạnh, việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa sẽ thay đổi bản chất xung đột và khiến NATO trở thành bên liên quan trực tiếp. Ông nói rằng Ukraine không thể sử dụng các vũ khí như tên lửa tầm xa hay tên lửa hành trình nếu thiếu sự can thiệp của quân nhân NATO. Nga giờ đây cũng sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào của một quốc gia không có hạt nhân được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ là một cuộc tấn công chung.