Nga phóng tàu vũ trụ Soyuz TMA-16M lên ISS
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu tác động của việc sống lâu trong không gian vũ trụ lên cơ thể con người.
Nga đã phóng thành công tàu vũ trụ Soyuz TMA-16M đưa 3 nhà du hành lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Dự kiến tàu vũ trụ này sẽ kết nối với ISS 6 tiếng sau khi lên ISS rạng sáng 28/3 – theo giờ Việt Nam.
Tên lửa đẩy Soyuz-FG cùng với tàu vũ trụ có người điều khiển Soyuz TMA-16M đã rời bệ phóng tại trung tâm vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan. Trong số 3 thành viên của phi hành đoàn, nhà du hành vũ trụ Nga Mikhail Kornienko và nhà du hành Scott Kelly thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ cùng tham gia sứ mệnh có thời gian 1 năm. Nhà du hành vũ trụ Nga khác là Gennady Padalka, người đã 4 lần tham gia các sứ mệnh trên ISS, dự kiến sẽ lưu lại trạm trong 6 tháng, lập kỷ lục mới với quãng thời gian 878 ngày hoạt động trong vũ trụ.
Các nhà khoa học sẽ tìm hiểu kỹ các thay đổi tâm lý và sinh lý của các phi hành gia này trong thời gian dài sống trong môi trường không gian vũ trụ. Về lý thuyết, cơ bắp và xương của con người được định hình nhờ lực hấp dẫn.
Nếu con người ở trong không gian một thời gian dài, cơ thể sẽ yếu đi do các cơ bắp bị mất khối lượng; hệ thống tim mạch, miễn dịch cũng như các hệ thống khác của cơ thể cũng sẽ bị thay đổi. Theo tính toán, một chuyến bay từ Trái Đất lên Sao Hỏa sẽ kéo dài tới 2 năm, do đó nghiên cứu này nhằm xác định những tác động tới sức khỏe của phi hành đoàn trong những sứ mệnh tương lai.
Các nhà khoa học cũng sẽ theo dõi người anh song sinh của phi hành gia Kelly ở Trái Đất trong một năm để so sánh các hiệu ứng gây ra bởi môi trường không trọng lực lên cơ thể người để trả lời cho câu hỏi bao nhiêu phần trăm sức khỏe và hành vi của con người được quyết định bởi gien, vào môi trường quyết định bao nhiêu.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu tác động của việc sống lâu trong không gian vũ trụ lên cơ thể con người. Trước đó, 4 phi hành gia Nga từng sống trên trạm không gian Mir trong ít nhất 1 năm. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, không có các thiết bị y tế tinh vi để kiểm tra sức khỏe của các phi hành gia như hiện nay.
Trạm ISS được đưa lên vũ trụ năm 1998 với chức năng như một phòng thí nghiệm có chi phí xây dựng lên tới 500 tỷ USD. Tổng cộng có 16 quốc tham gia các hoạt động trên ISS. Mỹ và Nga là hai quốc gia cung cấp tài chính chủ yếu cho trạm vũ trụ này. Dự kiến ISS sẽ hoạt động đến năm 2024./.