Nga phủ quyết Nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ về Crimea
VOV.VN - Dự thảo nghị quyết nhận được sự ủng hộ của 13 nước thành viên, Trung Quốc bỏ phiếu trắng, Nga đã phủ quyết.
Tại cuộc họp khẩn vào tối 15/3 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã không thể thông qua dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo nhằm chỉ trích cuộc trưng cầu dân ý của Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine để quyết định việc “có sáp nhập vào liên bang Nga hay không”.
Dự thảo nghị quyết nhận được sự ủng hộ của 13 nước thành viên, còn Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Nga, nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, đã phủ quyết dự thảo nghị quyết trên, vì cho rằng cuộc trưng cầu dân ý của Cộng hòa tự trị Crimea là hợp pháp.
Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin nhấn mạnh Nga tôn trọng quyền tự quyết của người Crimea. “Không có gì phải giấu diếm rằng Liên bang Nga sẽ bỏ phiếu chống đối với dự thảo nghị quyết. Chúng tôi không thể chấp nhận việc tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3 là bất hợp pháp. Đó là cuộc trưng cầu mà mọi người dân Crimea sẽ quyết định tương lai của họ”, ông Vitaly Churkin nói.
Ngay lập tức các cường quốc phương Tây đã chỉ trích việc Nga phủ quyết dự thảo, cho rằng Nga bị “cô lập” trong Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power tại cuộc họp nói rằng: “Crimea luôn là một phần của Ukraine cho đến khi nào quy chế của Crimea thay đổi theo luật pháp quốc tế và phù hợp với nguyện vọng của người Ukraine”.
Trước đó cùng ngày, Nga và Mỹ cũng đã không đạt được thỏa thuận nào về vấn đề Crimea trong nỗ lực ngoại giao vào “phút chót” trước khi khu vực tự trị này tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về sáp nhập vào Nga.
Phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga không có kế hoạch can thiệp vào Ukraine và không có gì phải “mập mờ” trong vấn đề Ukraine. Ngoại trưởng Nga cũng khẳng định, Nga tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý ở Crimea, đồng thời cảnh báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ phản tác dụng và làm phương hại quan hệ giữa nước này với một số nước khác./.