Nga quan tâm đến thỏa thuận ngừng bắn của ông Trump
VOV.VN - Một số nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Putin đã sẵn sàng thảo luận về cách kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine với Tổng thống Trump. Tuy nhiên, sự khác biệt về lập trường giữa Moscow và Kiev vẫn ngăn cản việc hai bên tiến tới một thỏa thuận hòa bình.
Lý do Nga và Ukraine chưa thể ngồi vào bàn đàm phán
Reuters dẫn năm nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sẵn sàng thảo luận về kế hoạch ngừng bắn ở Ukraine với ông Trump nhưng loại trừ khả năng đưa ra bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ lớn nào, đồng thời yêu cầu Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.
Ông Trump vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ hồi đầu tháng 11 và sẽ chính thức quay trở lại Nhà Trắng sau lễ nhậm chức vào cuối tháng 1/2025, giữa lúc Nga đang giành được nhiều lợi thế trên chiến trường. Moscow đã kiểm soát một phần lãnh thổ Ukraine có diện tích tương đương tiểu bang Virginia của Mỹ và đang tiến quân với tốc độ nhanh nhất kể từ thời điểm bắt đầu xung đột với Kiev.
Theo năm nguồn tin của Reuters, nhiều khả năng Điện Kremlin sẽ đồng ý đóng băng xung đột ở tuyến đầu, trong đó bốn khu vực phía Đông Ukraine bao gồm Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson được xem là trọng tâm của cuộc đàm phán. Trong khi Mosow tuyên bố đã nắm giữ hoàn toàn bốn khu vực này, khoảng 26.000 km2 lãnh thổ tại đây vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Ukraine. Ngoài ra, hai quan chức giấu tên cho biết Nga cũng đang xem xét rút quân khỏi các vùng thành quả quân sự tương đối nhỏ ở Kharkov và Mykolaiv thuộc phía Bắc và phía Nam Ukraine.
Ông Putin mới đây tuyên bố, bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào cũng phải được thực hiện dựa trên "thực tế trên chiến trường", đồng thời lo ngại lệnh ngừng bắn chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và điều này sẽ cho phép phương Tây tái vũ trang cho Ukraine.
"Nếu không có sự trung lập, thật khó để tưởng tượng ra bất kỳ mối quan hệ láng giềng hữu nghị nào giữa Nga và Ukraine", nhà lãnh đạo Nga phát biểu tại một cuộc họp của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai ngày 7/11.
Quyết định cho phép Ukraine triển khai tên lửa ATACMS của Mỹ vào sâu trong lãnh thổ Nga của Tổng thống Biden có thể làm tình hình thêm phức tạp và trì hoãn bất kỳ giải pháp nào. Chỉ 2 ngày sau khi Nhà Trắng tuyên bố "xé rào", Kiev đã tiến hành cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào Nga có sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ. Moscơ lập tức lên án động thái này là "một sự leo thang lớn".
"Ông Putin đã nói rằng việc đóng băng xung đột sẽ không có tác dụng theo bất kỳ cách nào", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov chia sẻ với Reuters vài giờ trước khi truyền thông Nga đưa tin về các cuộc tấn công bằng ATACMS. "Và việc cho phép tên lửa là một sự leo thang rất nguy hiểm từ phía Mỹ".
Giữa bối cảnh xung đột đang có dấu hiệu leo thang, Giám đốc truyền thông của ông Trump - ông Steven Cheung, cho biết: "Ông Trump là người duy nhất có thể đưa cả Nga và Ukraine xích lại gần nhau cho một cuộc đàm phán hòa bình, hướng tới mục tiêu chấm dứt giao tranh và giảm thiểu thương vong". Trước đó, ông Trump cho biết sẽ nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Putin để xây dựng một thỏa thuận ngừng bắn, mặc dù không đưa ra thông tin chi tiết về kế hoạch này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó khẳng định "Ukraine sẽ không nghỉ ngơi" cho đến khi đẩy lùi toàn bộ quân Nga về bên kia đường biên giới được xác lập sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, mặc dù các tướng lĩnh cấp cao của Mỹ đã công khai cho rằng đây là một mục tiêu có phần xa vời. Trong khi đó, Nga vẫn giữ nguyên lập trường trái ngược: Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và rút toàn bộ quân đội khỏi bốn vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập.
Thỏa thuận an ninh của Nga có gì?
Theo năm nguồn tin của Reuters, Nga sẽ không chấp nhận việc Ukraine gia nhập NATO hoặc sự hiện diện của quân đội NATO trên đất Ukraine nhưng nước này sẵn sàng thảo luận về việc đảm bảo an ninh cho Kiev. Chuyên gia nghiên cứu chính trị Dimitri Simes cho biết một thỏa thuận ngừng bắn có thể được đạt được tương đối nhanh chóng nhưng việc tiến tới một thỏa thuận rộng hơn, lâu dài hơn nhằm giải quyết mối lo ngại về an ninh của cả Ukraine và Nga lại khó khăn hơn nhiều.
"Theo quan điểm của tôi, sẽ rất khó để đạt được một thỏa thuận lớn hơn vì lập trường của hai bên còn rất khác nhau", ông Simes nói.
Nga kiểm soát 18% Ukraine bao gồm toàn bộ bán đảo Crimea, 80% vùng Donbas, bao gồm Donetsk và Luhansk và hơn 70% vùng Zaporizhzhia và Kherson. Nga cũng nắm giữ gần 3% vùng Kharkov và một phần nhỏ của Mykolaiv. Tổng cộng, Nga hiện giành quyền kiểm soát 110.000 km2 lãnh thổ Ukraine trong khi Ukraine nắm giữ khoảng 650 km2 vùng Kursk của Nga.
Thỏa thuận ngừng bắn có thể sẽ bao gồm việc giữ lại phần lớn lãnh thổ Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson nhằm bảo đảm an toàn cho cộng đồng nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine và bảo vệ cầu nối đất liền tới Crimea, một trong những nguồn tin của Reuters cho biết. Tất cả các nguồn tin của Reuters đều khẳng định tương lai của Crimea không phải là vấn đề cần đem ra thảo luận.
Theo một nguồn tin cấp cao có hiểu biết về các cuộc thảo luận cấp cao của Điện Kremlin, phương Tây sẽ phải chấp nhận "sự thật phũ phàng" rằng mọi hỗ trợ mà họ dành cho Kiev không thể ngăn cản Nga giành chiến thắng trong xung đột với Ukraine. Sau cùng, Tổng thống Putin là người có tiếng nói quyết định về bất kỳ lệnh ngừng bắn nào.
Khi được hỏi về khả năng ngừng bắn, hai nguồn tin của Nga đã nhắc đến một dự thảo thỏa thuận gần như đã được chấp thuận vào tháng 4/2022 sau các cuộc đàm phán tại Istanbul. Nhà lãnh đạo Điện Kremlin cũng đề cập đến dự thảo này như một cơ sở vững chắc cho lệnh ngừng bắn chính thức trong tương lai. Theo dự thảo đó, Ukraine nên đồng ý giữ vai trò trung lập để đổi lấy sự bảo đảm an ninh quốc tế từ năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bao gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ.
Một quan chức Nga giấu tên cho biết sẽ không có thỏa thuận nào trừ khi Ukraine nhận được sự đảm bảo an ninh, đồng thời nói thêm: "Câu hỏi đặt ra hiện nay là làm thế nào để tránh một thỏa thuận có thể khiến phương Tây rơi vào cuộc đối đầu trực tiếp với Nga trong tương lai".