Nga tái khẳng định quyết tâm tiếp tục tăng cường hợp tác với châu Phi
VOV.VN - Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đang có chuyến công du kéo dài 5 ngày, từ 24/07 - 28/07, tới các nước châu Phi, gồm Ai Cập, Ethiopia, Uganda và Cộng hòa Congo, nơi ông sẽ thảo luận về các chương trình nghị sự quốc tế và khu vực và hợp tác song phương.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới châu Phi diễn ra trong bối cảnh Nga, Thổ Nhĩ kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc tại Istanbul đã ký kết các thỏa thuận quan trọng về tạo thuận lợi cho việc cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, cũng như tạo điều kiện xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Việc này giúp giải quyết vấn đề cung cấp lương thực cho các nước châu Phi, ngăn chặn nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực, do các lệnh trừng phạt chống Nga.
Trả lời phỏng vấn truyền thông châu Phi, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng, Nga nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cung cấp các sản phẩm có ý nghĩa xã hội, bao gồm cả thực phẩm, cho nhiều quốc gia trên thế giới. Theo lời ông, “điều quan trọng là tất cả các bạn bè châu Phi hiểu rằng, Nga sẽ tiếp tục thực hiện một cách thiện chí các nghĩa vụ của mình theo các hợp đồng quốc tế về xuất khẩu thực phẩm, phân bón, vận chuyển năng lượng và các hàng hóa khác quan trọng đối với châu Phi".
Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Phi của Ngoại trưởng Lavrov là Ai Cập, đối tác kinh tế và thương mại lớn nhất của Nga ở châu Phi và cũng được coi là “cửa ngõ vào Châu phi”. Vào cuối năm 2021, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng 4% và lên tới 4,8 tỷ USD. Tính đến năm 2022, 470 công ty Nga hoạt động trên thị trường Ai Cập.
Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom đã ký một hợp đồng để tạo ra nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ai Cập - Ed Dabaa.
Tại nước này cũng đang hoàn thành việc hình thành khu công nghiệp của Nga, trực tiếp trên bờ kênh đào Suez.
Khu vực này càng trở nên hứa hẹn hơn trong bối cảnh các quyết định mà Liên minh châu Phi đã thông qua năm ngoái về việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do lục địa châu Phi. Bây giờ các tiêu chí cụ thể và thuế quan đang được thống nhất.
Đối với Nga, với tư cách là một đối tác ngày càng tăng của châu Phi, điều này sẽ rất có lợi và hữu ích trong việc tăng khối lượng cả về thương mại và đầu tư.
Theo kế hoạch, sau Ai Cập, Bộ trưởng Lavrov sẽ thăm Ethiopia, Uganda và Congo.
Nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Nghiên cứu Châu Phi thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Yevgeny Korendyasov cho biết, Uganda chiếm vị trí chiến lược ở Đông Phi. Nga có quan hệ rất chặt chẽ với quốc gia này, kể cả trong lĩnh vực quân sự. Ông lưu ý rằng, Uganda hiện có tốc độ phát triển cao nhất. Chuyên gia cho rằng, chuyến đi lớn của Ngoại trưởng Lavrov tới các nước này chứng tỏ, vector Châu Phi trong chính sách đối ngoại của Nga đang trở thành ưu tiên. Rõ ràng, mục đích của chuyến đi này là tái khẳng định quyết tâm của Nga trong việc tiếp tục tăng cường quan hệ với châu Phi.
Giám đốc Điều hành của Tổ chức Giám sát Quốc tế CIS-EMO, phó Tiến sỹ Khoa học Chính trị Stanislav Byshok cho rằng, châu Phi vẫn rộng mở cho Nga. Theo ông, trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Lavrov cần trấn an đại diện các nước châu Phi rằng, câu chuyện xuất khẩu ngũ cốc của cả Nga và Ukraine đã được giải quyết một cách tích cực. Nạn đói mà nhiều người đã nói đến, đặc biệt là trong bối cảnh nạn đói ở các nước nghèo nhất ở châu Phi không còn là vấn đề nữa.
Mục tiêu khác của chuyến thăm, theo nhà khoa học chính trị, là vấn đề khai thác và xử lý các nguồn dự trữ của châu Phi. Các nước châu Phi vẫn được coi là nhà cung cấp tài nguyên, nhưng tài nguyên của họ cần được khai thác và xử lý. Trong lịch sử, đây là những quốc gia thuộc Tây Âu, nhưng hiện nay tình hình đang thay đổi. Nga cũng muốn đóng vai trò của mình.
Một vấn đề quan trọng không kém đối với các nước châu Phi là đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Chuyên gia tin rằng, bất chấp thực tế là Nga đang gặp khó khăn về kinh tế bởi các lệnh trừng phạt, các nước châu Phi đang chờ đợi đầu tư vào cơ sở hạ tầng hoặc các dự án chung.
Ông Byshok cũng nhắc nhở rằng, Nga đã tích cực thực hiện các sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở các nước châu Phi trong những năm gần đây, điều này cũng có thể được thảo luận trong chuyến công du của Bộ trưởng Ngoại giao Nga.
Nga có mối quan hệ lâu dài và tốt đẹp với châu Phi, kể từ thời Liên Xô, và trong những năm gần đây, Moscow đã tích cực khôi phục vị thế của mình đối với lục địa mà người châu Phi đáp đáp lại bằng sự có đi có lại./.