Nga – Trung bắt tay nhau để đối phó với Mỹ
VOV.VN - Các lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga và Trung Quốc đã đẩy hai quốc gia này xích lại gần nhau và khiến phương Tây lo ngại về một trục quyền lực mới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cùng nhau uống vodka và ăn xúc xích Nga mừng sinh nhật ông Putin vào tháng 10/2017 và sau đó ông Tập thậm chí đã gọi nhà lãnh đạo Nga là "người bạn thân thiết tốt nhất".
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau 26 lần và sẽ có một cuộc gặp nữa vào tháng 9 tới. Ảnh: Reuters |
Sự ấm lên trong quan hệ Nga - Trung về vấn đề Iran đã khiến phương Tây lo ngại về sự nổi lên của một trục quyền lực mới.
Thực tế thì quan hệ giữa hai quốc gia này được củng cố khi cùng đương đầu với một kẻ thù chung, đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump - người gần đây đã áp đặt thêm một loạt các lệnh trừng phạt lên Nga và các loại thuế quan lên Trung Quốc.
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau 26 lần và sẽ tiếp tục có một cuộc gặp nữa vào tháng 9 tới. Cả hai quốc gia này đều đang nỗ lực xây dựng một mối quan hệ sâu sắc và mạnh mẽ nhất kể từ năm 1979 khi Liên Xô vẫn còn tồn tại.
Tham vọng lớn nhất của Nga và Trung Quóc là ngăn vị trí thống trị của Mỹ trong trật tự thế giới. Bên cạnh đó, với sự trợ giúp của Iran, hai quốc gia này đang cho thấy tính hiệu quả của các hoạt động của mình trong việc định hình các sự kiện từ Syria tới Triều Tiên.
Giáo sư Stephen Nagy của trường Đại học International Christian University tại Tokyo dựa trên những quan sát tỉ mỉ về các diễn biến và sự thay đổi địa chính trị trong thập kỷ qua đã nhận định rằng quan hệ đối tác mới giữa Nga và Trung Quốc đang ngày càng hòa hợp.
"Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn, vì thế, bằng cách tăng cường mối quan hệ với Nga về kinh tế và quân sự cũng như nhấn mạnh tình hữu nghị giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Putin, Bắc Kinh đã gửi đi một thông điệp tới Mỹ rằng Trung Quốc có nhiều lựa chọn và Nga là một lựa chọn quan trọng khi mà Moscow có thể cung cấp nguồn năng lượng cho Trung Quốc".
Giáo sư Nagy cũng khẳng định mối quan hệ giữa hai quốc gia đang có sự phát triển thực sự. Thương mại 2 chiều năm 2017 giữa Nga và Trung Quốc đạt 20%, chiếm hơn 100 tỷ USD và điều đáng nói là Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất và đảm bảo nhất của Trung Quốc.
Một sự cải thiện quan trọng cần được nhắc tới là mối quan hệ về quân sự giữa hai quốc gia Nga và Trung Quốc. Hiện Trung Quốc và Nga đang tiến hành các cuộc tập trận chung từ Biển Nhật Bản đến Địa Trung Hải.
Trong hàng thập kỷ, Nga từ chối bán các thiết bị quân sự hiện đại nhất cho Trung Quốc nhưng nay không còn như thế nữa.
"Nhìn lại 15 năm trước, Nga chỉ cung cấp các loại vũ khí quân dụng hạng nặng cấp 2 và cấp 3 cho Trung Quốc nhưng ngày nay, Nga đang cung cấp những thiết bị và công nghệ quân sự hàng đầu cho Bắc Kinh. Đây là một hàm ý về sự thay đổi chiến lược của Nga", giáo sư Nagy nhận định
Một thời gian dài, Nga lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc nhưng theo giáo sư Nagy, hiện hai bên đều đang đồng lòng hợp tác với nhau như một biện pháp hữu hiệu để đương đầu với Mỹ mà không dẫn tới một cuộc xung đột trực tiếp.
"Chúng ta sẽ không thấy Trung Quốc quay lưng trực tiếp với Mỹ nhưng Bắc Kinh sẽ xây dựng khả năng và năng lực với các quốc gia như Nga để có thể giữ vững sự ổn định về kinh tế - xã hội cũng như tăng cường khả năng của hai bên để không phải đối đầu trực tiếp với Mỹ".
Bên cạnh đó, dường như nhà chiến lược chính trị Henry Kissinger đang thảo luận với Tổng thống Trump về việc theo đuổi một chiến lược nhằm kết thân với Nga để cô lập Trung Quốc.
Phải chăng đó là một sự thừa nhận từ phía Mỹ cho thấy mối quan hệ Nga - Trung có thể định hình nên một trật tự thế giới như thế nào./.
Mỹ cảnh báo Nga,Trung Quốc hậu quả vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên
Cuộc chiến thương mại với Mỹ mở “cơ hội vàng” cho hợp tác Nga-Trung