Nga và Mỹ cáo buộc lẫn nhau trong cuộc chạy đua vũ khí không gian mới
VOV.VN - Nga và Mỹ tiếp tục đưa ra cáo buộc lẫn nhau về việc phát triển các loại vũ khí không gian mới tại Hội nghị Giải trừ vũ khí của Liên Hợp Quốc.
Chinh phục không gian vũ trụ hiện không đơn thuần chỉ là một lĩnh vực công nghệ, mà còn là bằng chứng về sức mạnh quốc gia, tác động trực tiếp đến an ninh quốc phòng của mỗi nước. Điều này đang tạo ra một cuộc chạy đua làm chủ không gian giữa các cường quốc.
à Yleem D.S. Poblete - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Bộ phận tuân thủ và kiểm soát vũ khí. Ảnh: U.S. Mission Geneva. |
Nga và Mỹ hôm qua (14/8) tiếp tục đưa ra cáo buộc lẫn nhau về việc phát triển các loại vũ khí không gian mới tại Hội nghị Giải trừ vũ khí của Liên Hợp Quốc diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ.
Mỹ bày tỏ lo ngại về việc Nga theo đuổi các loại vũ khí bao gồm tên lửa và một hệ thống laser di động có thể phá hủy các vệ tinh trong không gian, cũng như “hệ thống thanh tra vũ trụ” mới. Bà Yleem D.S. Poblete - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Bộ phận tuân thủ và kiểm soát vũ khí cảnh báo, việc Nga theo đuổi các năng lực đối đầu trên không gian là "đáng lo ngại".
“Mỹ đã nêu vấn đề này nhiều năm rằng Nga đang tích cực theo đuổi việc phát triển các loại vũ khí chống vệ tinh. Kể từ năm 2009, Bộ Quốc phòng Nga đã nhiều lần nhắc lại và công bố công khai xác nhận rằng việc nước này đang tiến hành phát triển các loại vũ khí chống vệ tinh”.
Trong một phiên thảo luận tại Geneva vào tháng 2/2018, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết, ưu tiên hiện nay đó là ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang, phù hợp với dự thảo hiệp ước chung đưa ra với Trung Quốc cách đây 1 thập kỉ. Tuy nhiên vào tháng 3/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiết lộ 6 hệ thống phòng thủ mới, bao gồm hệ thống laser di động quân sự Peresvet. Theo đại diện Mỹ, đây là bằng chứng cho thấy Nga đã không giữ lời hứa của mình.
Tuy nhiên, Đại diện ngoại giao của Nga tại Geneva Alexander Deyneko ngay lập tức bác bỏ cáo buộc này, cho rằng đây là cáo buộc vô căn cứ. Ông cũng kêu gọi Mỹ nên đóng góp vào dự thảo Hiệp ước của Nga và Trung Quốc: “Chúng ta đang thấy phía Mỹ đang nêu những lo ngại nghiêm trọng với Nga. Tôi nghĩ các bạn trước hết nên ủng hộ sáng kiến của Nga, họ nên tích cực hợp tác để phát triển Hiệp ước sẽ làm hài lòng 100% các lợi ích an ninh của người Mỹ. Tuy nhiên họ không có những đóng góp tích cực”.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 14/8 cho biết, Nga sẵn sàng thảo luận các loại vũ khí chiến lược mới nhất với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần cho rằng, việc có người Mỹ hiện diện trong không gian thôi là chưa đủ đáp ứng mục tiêu bảo vệ nước Mỹ mà còn phải đảm bảo người Mỹ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong không gian.
Tổng thống đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng nước này thành lập Lực lượng vũ trụ - đây là quân chủng thứ 6 của quân đội Mỹ nhằm đảm bảo giữ vững thế tiên phong trong lĩnh vực khám phá không gian mà Mỹ đang nắm giữ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự cảnh báo, việc quân sự hóa vũ trụ sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh và hòa bình thế giới./.
Mỹ sẽ có “Quân đội không gian” vào năm 2020