“Ngày đẫm máu” tại Ukraine, 21 người thiệt mạng
VOV.VN - 14 người biểu tình và 7 cảnh sát đã thiệt mạng sau vụ đụng độ đẫm máu nhất xảy ra tại thủ đô Kiev rạng sáng 19/2.
Theo Reuters, cảnh sát chống bạo động đã cố gắng tiến vào quảng trường Độc Lập trong khi những người biểu tình mang gậy gộc, đội mũ bảo hiểm và mặc áo giáp quyết tâm chống lại nỗ lực này của cảnh sát.
Đối đầu dữ dội
Người biểu tình và cảnh sát đụng đỗ dữ dội tại Quảng trường Độc lập (Ảnh Reuters) |
Khói bốc lên mù mịt từ những căn lều bị cháy, lốp xe và củi khi những người biểu tình bị dồn vào trung tâm quảng trường. Một vài tầng của tòa nhà Liên đoàn nơi được coi là trụ sở của những người biểu tình đã phát hỏa.
Ít nhất 14 người biểu tình và 7 cảnh sát đã thiệt mạng trong vụ đụng độ trên. Nhiều người trong số này bị bắn chết trong khi đó còn có hàng trăm người khác bị thương.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich rút toàn bộ lực lượng vũ trang tham gia vào cuộc đụng độ và kiềm chế ở mức tối đa.
Trước đó, Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine đã gia hạn chót cho người biểu tình phải kết thúc những hành động gây rối nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp cứng rắn.
Cảnh sát sau đó đã tiến vào quảng trường và bắt đầu thực hiện việc giải tán người biểu tình bằng việc phóng lựu đạn gây choáng.
Trong khi lực lượng vũ trang Ukraine đang dồn ép người biểu tình, thủ lĩnh phe đối lập Vitaly Klitschko vẫn tỏ ra rất bình tĩnh và tuyên bố: “Chúng ta sẽ không rời khỏi đây. Đây là hòn đảo tự do và chúng ta sẽ bảo vệ nó”.
Sau đó, ông Klitschko đã đến văn phòng của Tổng thống Yanukovich để đàm phán. Nhưng cả ông Klitschko và một lãnh đạo người biểu tình khác là cựu Bộ trưởng Kinh tế Arseny Yatsenyuk đã phải đợi ở đó hơn một giờ.
Trước đó ngày 18/2, Cơ quan An ninh Quốc gia và Bộ Nội vụ Ukraine đã ra một tuyên bố chung nêu rõ quan điểm của Chính phủ nước này rằng: “Nếu đến 6h chiều những vụ gây rối của người biểu tình không kết thúc thì chúng tôi buộc phải lập lại trật tự bằng mọi biện pháp mà pháp luật cho phép”.
Cảnh sát chống bạo động đã được điều động chỉ vài giờ sau đó.
Các phương tiện thông tin truyền thông tại Ukraine cho biết, những người biểu tình đã đốt một trụ sở cảnh sát và chiếm Văn phòng công tố Kiev tại quận Ternopil.
EU, Nga đổ lỗi cho nhau
Người biểu tình đốt lốp xe tại quảng trường Độc Lập (Ảnh: Reuters) |
Ủy viên phụ trách việc mở rộng Liên minh châu Âu Stefan Fuele cho biết ông đã trao đổi với Thủ tướng tạm quyền của Ukraine và ông này đã đảm bảo rằng các nhà chức trách nước này sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng vũ khí.
“Vì người dân Ukraine và vì tương lai của quốc gia Đông Âu này, tôi cầu mong lời nói của ông ấy là sự thực”, ông Fuele tuyên bố tại Brussels.
Cao ủy phụ trách các vấn đề An ninh và đối ngoại của EU Catherine Ashton, người đóng vai trò trung gian trong nỗ lực chia sẻ và chuyền giam quyền lực tại Ukraine đã thúc giục những nhà lãnh đạo Ukraine “giải quyết tận gốc những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng trên”.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine nhằm cảnh báo về việc bạo lực có thể lại tái diễn và thúc giục Chính phủ tiếp tục tìm kiếm một giải pháp chính trị.
“Những thông tin về tình trạng leo thang bạo lực mới nhất tại Ukraine là rất đáng lo ngại. Chúng tôi rất sốc khi nghe tin con số thương vong sau vụ đụng độ đêm 18 rạng sáng 19/2”, ông Steinmeier tuyên bố và nhấn mạnh khả năng EU đưa ra lệnh trừng phạt đối với Ukraine.
“Những kẻ chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định gây ra đổ máu tại Ukraine phải hiểu rằng EU sẽ đang xem xét đưa ra những lệnh trừng phạt đối với từng cá nhân trên”, ông Steinmeier khẳng định.
Trong khi đó, Nga cho rằng hành động leo thang trên là “hệ quả trực tiếp từ việc các chính trị gia phương Tây đã đồng lõa và nhắm mắt làm ngơ trước những hành động hung hăng của những lực lượng quá khích”./.