Ngày Hiến pháp với cuộc khủng hoảng Thái Lan
VOV.VN - Mặc dù đã ra đời 81 năm nhưng cứ vào dịp ngày lễ Hiến pháp hàng năm, chính trường Thái Lan lại có sự bất ổn.
Đến 6 giờ sáng ngày 11/12 (theo giờ Việt Nam), cuộc biểu tình xuyên đêm vẫn tiếp diễn tại Thái Lan, nhưng 1 ngày đã trôi qua được coi là bình yên tại nước này khi cuộc khủng hoảng đã đi qua ngày thứ 17.
Thái Lan đã trải qua tròn 81 năm kể từ khi có bản Hiến pháp đầu tiên ra đời năm 1932. Như một định mệnh, dịp này hàng năm tại Thái Lan xuất hiện những vấn đề liên quan hiến pháp và năm nay không phải là ngoại lệ.
Hạ viện Thái Lan vừa bị Thủ tướng giải tán theo đúng quy định của bản Hiến pháp lần thứ 18 - Hiến pháp hiện hành của Thái Lan. (Ảnh: Xuân Sơn) |
Tại cuộc biểu tình đêm 10/12, thủ lĩnh cuộc biểu tình chống chính phủ, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thausuban tuyên bố, con đường duy nhất mà Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra phải làm trong 3 ngày tới là từ chức, khi đó cuộc biểu tình sẽ giải tán.
Mặc dù trước đó, trong một tuyên bố gây xúc động nhiều người, bà Yingluck tuyên bố, theo Hiến pháp hiện hành quy định trong điều 181, sau khi giải tán Hạ viện, bà phải thực hiện nghĩa vụ là Thủ tướng tạm quyền, cùng với Ủy ban bầu cử tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 2/2/2014 như sắc lệnh đã được Nhà Vua thông qua.
Ngày 10/12 tại Thái Lan, nhiều học giả nước này cũng đưa ra các luận điểm của mình phân tích các tình huống dựa trên Hiến pháp cho thấy, việc giải tán Hạ viện và Thủ tướng từ chức nếu xảy ra sẽ là vi phạm Hiến pháp hiện hành.
Đề xuất của ông Suthep càng vô lý hơn trong yêu sách lập Hội đồng nhân dân, Chính quyền nhân dân với một Thủ tướng qua đề cử, điều đã từng xảy ra một lần tại Thái Lan nhưng chịu sự điều chỉnh của bản Hiến pháp lúc đó nhưng lại không chịu sự điều chỉnh của bản Hiến pháp hiện hành.
Bản Hiến pháp Thái Lan hiện nay là bản Hiến pháp thứ 18, được lập ra năm 2007 sau cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Tuy nhiên những yêu sách của người biểu tình mà nhiều nhà nghiên cứu cho là vô lý vẫn còn đó, 81 năm thăng trầm với các bản Hiến pháp và lần này, có nhiều hy vọng cho thấy nó không bị xé bỏ như những bản Hiến pháp trước khi mà quân đội vào cuộc làm đảo chính./.
Nghe bản tin tại đây: