Nghề dệt lụa Thủ công Truyền thống Lào
VOV.VN - Lụa dệt thủ công Lào có vị trí đặc biệt trên thị trường nội địa và quốc tế.
Khác với loại lụa mịn được dệt thủ công của Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ... lụa dệt thủ công Lào có sự thô ráp, đơn sơ với những nét hoạ tiết hoa văn mang đậm chất riêng của dân tộc Lào.
Chính điều này đã tạo nên vị trí đặc biệt của lụa Lào trên thị trường nội địa và quốc tế, cũng như giúp cho người dân các làng nghề dệt lụa truyền thống của Lào phát triển kinh tế ổn định, đồng thời tiếp tục bảo tồn, gìn giữ nét văn hoá của người dân các dân tộc Lào.
Mời quý vị và các bạn cùng Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Lào đến thăm một cơ sở dệt lụa thủ công tại thủ đô Vientiane.
Chị Viengkham (phải) tại xưởng dệt. |
Lụa là sản phẩm cầu kỳ, mềm mượt và luôn được yêu thích, nhất là khi được dệt bằng tay. Với sự phát triển của ngành du lịch ở Lào, nhiều sản phẩm phong phú từ lụa dệt thủ công như áo quần, váy, khăn, túi xách..., ngày càng được ưa chuộng trên thị trường.
Với nét đặc trưng của mình, nhiều làng nghề dệt lụa truyền thống ở đất nước hoa Chăm pa đã dần được khôi phục và phát triển hơn. Dệt lụa bằng tay được người Lào thực hiện theo quy trình sản xuất khá phức tạp, bao gồm nhiều công đoạn như quấn tơ, hồ sợi, nhuộm màu, phơi cho đến dệt.
Riêng với khung cửi mắc sợi dọc, sợi ngang để tạo ra các hoạ tiết hoa văn, đòi hỏi người thợ sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo. Bởi chính các hoa văn độc đáo lấy cảm hứng từ những truyền thuyết cổ đã tạo nét đặc trưng cho lụa dệt thủ công Lào.
Nghệ nhân tại xưởng dệt của chị Viengkham. |
Theo Chị Viengkham Nanthavongdouangsy - nhà thiết kế với nhãn hiệu Khang rất có tiếng trong làng thời trang Lào hiện nay, văn hoá truyền thống là những gì được đúc rút, cô đọng lại và phát triển theo thời gian. Điều đó cũng tạo nên nét riêng của lụa dệt thủ công Lào.
Chị cho rằng, nét văn hóa đặc trưng ấy cần được quảng bá, mở rộng hơn để nghề dệt lụa không chỉ là di sản của Lào, mà trở thành di sản chung của thế giới. Vẫn là khung dệt đơn sơ cùng hàng chục, hàng trăm con phượng treo trên xà, nối với hai bàn đạp và con thoi đưa sợi tơ qua lại, đan chặt sợi ngang với sợi dọc, các nghệ nhân dệt lụa Lào đã làm ra những sản phẩm tơ lụa ấn tượng, đưa nghề dệt lụa truyền thống Lào trở lại với xã hội hiện đại sau những thăng trầm của thời gian.
Sợi tơ sau khi nhuộm. |
Chị Viengkham nói: “Tôi học dệt lụa từ bé với mẹ và bà ngoại bởi dệt lụa là nghề truyền thống của phụ nữ Lào, được truyền từ đời này sang đời khác. Dệt lụa là nét văn hoá Lào cần được bảo tồn và gìn giữ, nên nếu chỉ dạy theo cách truyền miệng thì nó sẽ dần bị mai một đi. Đó cũng là lý do khiến tôi viết sách về nghề dệt lụa thủ công của Lào để mọi người cùng biết và hiểu về nó nhiều hơn. Không chỉ dạy cho người Lào và du khách quốc tế đến học dệt lụa thủ công tại Lào, hay đưa các sản phẩm lụa Lào quảng bá đến với bạn bè quốc tế, những nghệ nhân dệt lụa đất nước hoa Chămpa còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm dệt lụa truyền thống của mình với bạn bè các nước”.
Cơ sở dệt lụa thủ công của chị Viengkham có quy mô khá lớn tại thủ đô Viêng chăn với nhiều nghệ nhân làm việc liên tục tại xưởng, cùng với đó là các thợ lành nghề làm ngay tại nhà. Ngoài xưởng dệt, chị còn có một mở một công ty với các bộ phận chuyên thiết kế, may, giới thiệu sản phẩm, đặt hàng, kiểm tra chất lượng sản phẩm và đóng gói xuất sang Nhật Bản, châu Âu và một số nước châu Á... các mẫu thiết kế của chị Viengkham cũng đã được giới thiệu tại các sàn diễn thời trang trong nước và quốc tế với nhiều giải thưởng lớn.
Showroom giới thiệu sản phẩm. |
Chị Sone Sulintha - Nghệ nhân dệt lụa thủ công chia sẻ: “Tôi làm ở đây đã hơn 10 năm rồi, thường một tấm lụa chúng tôi dệt trong khoảng thời gian là hai tuần, thu nhập cũng được tầm 600.000 đến một triệu (khoảng hơn 100 USD), công việc tại đây cho tôi thu nhập ổn định. Hàng ngày tôi làm từ 8h sáng đến 12h nghỉ ăn cơm, 1h chiều làm tiếp, nói chung công việc làm rất thoải mái, các mẫu dệt thì do bà chủ đưa tới và chúng tôi làm theo, khách hàng rất ưa chuộng các sản phẩm do xưởng chúng tôi dệt”.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thời trang, lụa thủ công của Lào được khách hàng đánh giá cao bởi chất liệu và độ tinh xảo trong họa tiết. Với khoảng 50 nhóm cộng đồng ở khắp đất nước Lào còn giữ nghề dệt lụa truyền thống, lụa Lào đã dần có những thay đổi để thích ứng với xu hướng hiện đại. Nhiều gia đình có nghề truyền thống dệt lụa đã khôi phục và phát triển hơn, mang đến những biến thể màu sắc và thiết kế mới cho lụa dệt truyền thống Lào./.