Nghi rò rỉ dữ liệu hơn 1 triệu hồ sơ của các cơ quan thực thi pháp luật ở Philippines
VOV.VN - Ủy ban quyền riêng tư (NPC) của Philippines hôm nay (20/4) cho biết sẽ tiến hành điều tra vụ nghi rò rỉ dữ liệu hơn 1 triệu hồ sơ của các cơ quan thực thi pháp luật nước này.
Trong một báo cáo công bố đầu tuần này, Công ty bảo mật VPNMentor cho biết hơn 800 gigabytes dữ liệu của 1.279.437 hồ sơ thuộc các cơ quan thực thi pháp luật quan trọng của Philippines, gồm Cảnh sát quốc gia (PNP), Cục điều tra quốc gia (NBI), Lực lượng hành động đặc biệt (SAF), Ủy ban dịch vụ dân sự… đã bị xâm nhập. Thời gian xâm nhập ít nhất là trong 6 tuần trước khi được ngăn chặn vào tháng 3/2023. Dữ liệu nghi rò rỉ bao gồm các thông tin cá nhân nhạy cảm như dấu vân tay, tên tuổi, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế, hồ sơ y tế, hộ chiếu… của nhiều nhân viên cảnh sát, kiểm sát viên, thẩm phán.
Ngoài ra, còn có khả năng rò rỉ một số chỉ thị nội bộ giải quyết các vụ việc của các cơ quan thực thi pháp luật Philippines. Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo thông tin rò rỉ có thể bị lợi dụng cho các hoạt động tội phạm, tấn công lừa đảo mạng; trong khi cơ sở dữ liệu của chính phủ thiếu bảo mật có thể gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia.
Trong một tuyên bố, NPC cho biết đây là thông tin rất đáng lưu ý và sẽ có hành động ngay lập tức để buộc những ai nếu làm rò rỉ dữ liệu quốc gia thì phải chịu trách nhiệm. NPC sẽ làm việc với đại diện từ PNP, NBI và các cơ quan liên quan khác để xác định tính chính xác, mức độ lộ lọt thông tin và hậu quả.
Nhóm chống tội phạm mạng của Cảnh sát Philippines cũng đang điều tra, đánh giá lỗ hổng an ninh mạng và thử nghiệm xâm nhập. Cho đến hôm qua (19/4), cả PNP và NBI đều cho biết chưa xác nhận được liệu dữ liệu của họ có thực sự bị rò rỉ hay không, song sẽ tiếp tục xác minh báo cáo của VPN Mentor.
Một số nghiên cứu an ninh mạng khu vực đánh giá Philippines là một trong những quốc gia dễ bị thương tổn nhất từ các cuộc tấn công mạng ở châu Á – Thái Bình Dương. Nhiều chuyên gia công nghệ kêu gọi các nhà lập pháp và các cơ quan chính phủ liên quan của Philippines cần nhanh chóng tìm cách củng hộ hệ thống pháp lý về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân ở nước này, đồng thời nâng cao nhận thức của công chúng về an ninh an toàn thông tin./.