Ngoại trưởng Latvia: Ukraine nên được tấn công vào các mục tiêu quân sự ở Nga
VOV.VN - Ukraine nên được tự do tấn công vào các địa điểm quân sự bên trong lãnh thổ Nga giữa bối cảnh nước này đối mặt với hàng loạt cuộc không kích của Moscow vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, Ngoại trưởng Latvia nhận định.
Dù vậy, các nước phương Tây, trong đó có Mỹ vẫn trì hoãn cung cấp cho Ukraine vũ khí có thể tấn công Nga.
"Chúng ta nên cho phép Ukraine sử dụng vũ khí để tấn công các địa điểm phóng tên lửa hoặc các sân bay mà các cuộc không kích trên được thực hiện", Ngoại trưởng Latvia Edgar Rinkevics cho hay ngày 29/11 trong một cuộc trả lời phỏng vấn bên lề cuộc gặp của các ngoại trưởng NATO tại Bucharest, Romania. Ông cho rằng các nước NATO "không nên lo sợ" căng thẳng leo thang.
Trong khi Mỹ không áp hạn chế lên cách thức Ukraine sử dụng vũ khí thì cho tới nay, Washington vẫn từ chối cung cấp cho Kiev vũ khí có thể tấn công vào trong lãnh thổ Nga.
Chính quyền Tổng thống Biden đã cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí hiện đại, trong đó có các hệ thống phóng tên lửa đa nòng nhưng vẫn từ chối cung cấp Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) do chúng có khả năng tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Washington cũng từ chối cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine khi dẫn ra các đánh giá rằng, các máy bay chiến đấu không cải thiện khả năng của Ukraine. Việc cung cấp các vũ khí tầm xa cũng làm dấy lên mối lo ngại xung đột có thể leo thang và lan rộng sang các nước NATO.
Những mối lo ngại này đã được phản ánh qua nhận định của hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Michael McCaul - người sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát viện này vào tháng 1/2023. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông cho biết những cuộc tấn công này sẽ làm suy giảm sự ủng hộ của công chúng cho Ukraine.
"Các cuộc tấn công vào trong lãnh thổ của Nga "sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Nga và thực sự làm leo thang tình hình", ông McCaul nhận định với Bloomberg.
"Chúng ta cũng cần cân nhắc tới phản ứng dữ dội từ dư luận", nghị sĩ đảng Cộng hòa cho hay.
Trong khi đó, ông Rinkevics cho biết, một số nước thành viên NATO tin rằng Ukraine không nên bị giới hạn về việc sử dụng vũ khí bởi điều này phụ thuộc vào từng quốc gia cung cấp vũ khí cho Kiev. Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis thì nhận định với báo giới tại cuộc họp của các ngoại trưởng NATO, một số quốc gia đã đặt vấn đề rằng liệu các nước phương Tây có nên cung cấp vũ khí cho Ukraine mà không kèm điều kiện hay không.
Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani: “Chúng tôi không muốn xảy ra vấn đề với các nước khác" và "chúng tôi không muốn đối mặt trực tiếp với nguy hiểm". Ông cũng cho biết: "Chúng tôi phản đối bất kỳ hành động nào làm leo thang xung đột".
Gần đây, Nga tấn công tên lửa và UAV dồn dập vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định sẽ có nhiều cuộc tấn công như vậy trong thời gian tới.
Trong cuộc họp kéo dài 2 ngày ở Bucharest, các nước NATO sẽ thảo luận về việc cung cấp thêm các hệ thống phòng không cũng như các trang thiết bị quân sự để hỗ trợ Ukraine đối phó với các cuộc tấn công trên./.