Ngoại trưởng Mỹ: Crimea là “lằn ranh đỏ” của Tổng thống Putin
VOV.VN - Nỗ lực của Ukraine nhằm giành lại Crimea sẽ là một "lằn ranh đỏ" cho Tổng thống Vladimir Putin và có thể dẫn đến phản ứng mạnh mẽ hơn từ Nga, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay ngày 15/2.
Tổng thống Nga coi Crimea là một phần đầy đủ của Nga trong khi Kiev và phương Tây từ chối công nhận điều này.
Theo Politico, bình luận trên của Ngoại trưởng Mỹ được cho là sẽ khiến Ukraine thất vọng. Trang này cũng cho biết, trong một cuộc điện đàm kín, một người đã đặt câu hỏi cho ông Blinken rằng liệu Mỹ có sẵn sàng hỗ trợ Ukraine đạt được mục tiêu dài hạn, đó là giành lại Crimea hay không.
Ngoại trưởng Blinken đã bày tỏ quan điểm rằng Mỹ không chủ động khuyến khích Ukraine giành lại Crimea nhưng quyết định là thuộc về Kiev, 4 nguồn tin thân cận cho hay. Trọng tâm của chính quyền Mỹ hiện nay là hỗ trợ Ukraine tiến công tại các khu vực giao tranh, chủ yếu là ở phía Đông.
Đánh giá trên cũng đồng quan điểm với các quan chức Lầu Năm Góc trong những tuần gần đây, những người cho rằng giao tranh vẫn diễn ra ác liệt ở Donbass và phía Nam Ukraine, đồng thời như đặt câu hỏi về khả năng của Ukraine để giành lại Crimea trong tương lai gần.
Theo hai nguồn tin, ông Blinken không tuyên bố trực tiếp nhưng thể hiện lập trường rằng, việc thúc đẩy giành lại Crimea không phải một động thái khôn ngoan ở thời điểm này. Tuy nhiên, hai nguồn tin khác thì lại cho rằng bình luận của Ngoại trưởng Mỹ rằng việc giành lại Crimea là quyết định của riêng Ukraine chứ không phải Mỹ cho thấy ông Blinken cởi mở hơn với việc Ukraine giành lại Crimea.
Trong khi các quan chức Mỹ và NATO thường công khai cho rằng Crimea là một phần của Ukraine thì từ năm 2014, họ hầu như không có động thái nào thách thức quyền kiểm soát của Nga với Bán đảo này.
“Nhìn chung, vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về những gì sẽ diễn ra cũng như câu hỏi về khả năng của mỗi bên trong việc đạt được thành quả lớn", một trong các nguồn tin đánh giá.
Trước đó, Tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cũng nghi ngờ về triển vọng Ukraine sẽ đạt được bước tiến lớn.
"Tôi vẫn duy trì lập trường rằng năm nay sẽ rất khó để đẩy lùi quân đội Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine cũng như những khu vực Moscow kiểm soát. Điều đó không có nghĩa là nó không thể xảy ra hay sẽ không xảy ra mà là nó sẽ vô cùng khó khăn", ông Milley cho hay.
Một số chuyên gia cũng cho rằng Ukraine khó có thể giành lại Crimea mà thay vào đó sẽ nỗ lực cô lập vùng lãnh thổ này.
"Có 3 điểm quan trọng ở đây: hành lang đất liền nối với Nga, cầu bắc qua Eo biển Kerch và căn cứ hải quân ở Sevastopol. Cần phải tấn công vào tất cả 3 điểm này", ông Kurt Volker, cựu đặc phái viên Mỹ phụ trách Ukraine cho hay.
Crimea hiện là nơi bố trí các hệ thống phòng không, kho đạn dược và hàng chục nghìn binh lính Nga. Các đơn vị bộ binh của Moscow thuộc lực lượng trên đang đào hào chiến để củng cố tuyến phòng thủ trải dài hàng trăm km nhằm đối phó với quân đội Ukraine dọc sông Dnipro.
Chọc thủng phòng tuyến trên của Nga là việc rất khó khăn cho quân đội Ukraine, thậm chí cả khi Kiev nhận được pháo và xe bọc thép từ phương Tây.
Chính phủ Ukraine trong nhiều tháng qua đã kêu gọi phương Tây hỗ trợ các hệ thống vũ khí tầm xa để tấn công vào các vị trí nằm sâu trong phòng tuyến của Nga, bao gồm cả Crimea - những nơi Nga đã lùi trụ sở và các kho chứa quan trọng nằm ngoài tầm bắn của các tên lửa mà Washington cung cấp cho Kiev.
Ukraine cho biết các tên lửa ATACMS có thể nhắm trúng các mục tiêu trên. Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Biden vẫn từ chối cung cấp loại vũ khí này do lo ngại Ukraine sẽ tấn công Nga. Các quan chức Mỹ gần đây cũng cho biết nước này không có đủ tên lửa ATACMS trong kho dự trữ./.