Ngoại trưởng Mỹ lên tiếng về các hành vi “cưỡng ép và gây hấn” của Trung Quốc
VOV.VN - Trong chuyến thăm Nhật Bản hôm 16/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chỉ trích việc Trung Quốc sử dụng các hành động "cưỡng ép và gây hấn" trên trường quốc tế và cảnh báo Mỹ sẽ phản ứng nếu cần thiết.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Trung Quốc đã sử dụng các hành vi cưỡng ép và gây hấn trong hàng loạt vấn đề từ Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Tân Cương cho tới những yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
"Chúng ta hãy đoàn kết trong tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, nơi các quốc gia tuân thủ các quy tắc, hợp tác bất cứ khi nào có thể và giải quyết những khác biệt một cách hòa bình. Đặc biệt, chúng tôi sẽ phản đối theo cách của mình nếu cần thiết khi Trung Quốc sử dụng các hành động gây hấn và cưỡng chế", Ngoại trưởng Blinken tuyên bố.
Những bình luận của ông Blinken được đưa ra chỉ một vài ngày trước khi ông và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan tham dự các cuộc trao đổi cấp cao với các đại diện từ phía Trung Quốc. Ông Blinken và ông Sullivan sẽ gặp ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Alaska.
Tổng thống Joe Biden, người đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng trước, từng khẳng định rằng hướng tiếp cận của ông với Trung Quốc sẽ khác với người tiền nhiệm khi ông hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh để gia tăng sự phản đối với Bắc Kinh.
"Chúng tôi sẽ đối phó với các hành vi “bắt nạt” kinh tế của Trung Quốc", ông Biden nhận định trong một bài phát biểu ở Bộ Ngoại giao, đồng thời gọi Bắc Kinh là "đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất" của Mỹ.
"Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh ở những khía cạnh nằm trong lợi ích của Mỹ. Chúng tôi sẽ cạnh tranh từ vị thế sức mạnh bằng cách xây dựng tốt hơn khả năng nội tại và hợp tác với các đồng minh và đối tác".
Hồi tháng 2, ông Biden đã thông báo thành lập một lực lượng thuộc Bộ Ngoại giao nhằm đánh giá chiến lược Trung Quốc của quân đội Mỹ.
“Đó là cách chúng tôi sẽ đối phó với thách thức từ phía Trung Quốc và đảm bảo rằng Mỹ sẽ chiến thắng cuộc cạnh tranh này trong tương lai", ông Biden khẳng định.
Ngoại trưởng Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã đến Tokyo vào tối 16/3 trong nỗ lực tập hợp liên minh và tái khẳng định các cam kết với những đối tác chủ chốt của Mỹ trong khu vực. Ngày 17/3, hai quan chức Mỹ sẽ tới Seoul để thảo luận về hợp tác an ninh cũng như những thách thức từ Trung Quốc và Triều Tiên. Đây là chuyển công du nước ngoài đầu tiên của 2 quan chức cấp cao Mỹ này dưới thời chính quyền Tổng thống Biden.
Triều Tiên gửi thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ
Ngày 16/3, lần đầu tiên Triều Tiên phá vỡ im lặng kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống và gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ.
"Chúng tôi sẽ nhân cơ hội này để cảnh báo tới chính quyền mới của Mỹ khi họ đang cố gắng lan mùi thuốc súng tới lãnh thổ của chúng tôi", bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhận định khi nhắc tới các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn trong khu vực.
"Nếu Mỹ muốn ngủ yên trong hòa bình 4 năm tới, tốt hơn là nước này nên kiềm chế những động thái có thể gây phiền nhiễu ngay từ bước đầu tiên".
Dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong Un, Triều Tiên đã tiến hành cuộc thử hạt nhân mạnh nhất khi lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đe dọa đến các vùng biển gần đảo Guam của Mỹ.
Từ năm 2011, Bình Nhưỡng đã phóng hơn 100 tên lửa và tiến hành 4 cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân, nhiều hơn số lần thử hạt nhân của cha và ông nội ông là nhà lãnh đạo Kim Jong Il và Kim Il Sung trong suốt 27 năm qua./.