Ngoại trưởng Mỹ rời Trung Đông: Sứ mệnh “chưa hồi hết”
VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua (11/1) đã khép lại chuyến thăm kéo dài gần 1 tuần tới Trung Đông nhưng tầm nhìn ông vạch ra đang gặp phải những trở ngại nghiêm trọng, trong khi xung đột ở Gaza vẫn diễn ra ác liệt và những lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ một cuộc xung đột rộng hơn.
Lịch trình chuyến công du Trung Đông lần này của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khá dày đặc, với một loạt cuộc gặp cấp cao tại Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Jordan, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Saudi Arabia và cuối cùng là Ai Cập. Đáng chú ý, Ngoại trưởng Mỹ đã tới Bờ Tây và hội đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, các nước trong khu vực đều sẵn sàng đóng góp vào việc xây dựng kế hoạch cho Gaza thời hậu chiến. Tuy nhiên, sự ủng hộ của các nước Arab không chỉ phụ thuộc vào việc chấm dứt xung đột mà còn là giải pháp cho một Nhà nước Palestine độc lập trong tương lai. Đây lại là điều mà chính phủ cực hữu tại Israel phản đối. Các quan chức Mỹ giấu tên đã mô tả các cuộc thảo luận ở Israel là khó khăn nhất trong chuyến công du Trung Đông lần này của Ngoại trưởng Antony Blinken.
Tuy nhiên, những nguồn tin này cũng cho biết thêm, các cuộc đàm phán đã thành công trong việc thuyết phục Israel cho phép đoàn thanh tra của Liên Hợp Quốc đến khu vực miền Bắc Gaza để đánh giá xem liệu người dân có an toàn để quay trở lại hay không.
Chìa khoá của kế hoạch là cải cách chính quyền Palestine. Đây cũng là trọng tâm Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra hồi giữa tuần tại Aqaba với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Ai Cập, Jordan và Palestine. Theo Ngoại trưởng Mỹ, việc tăng cường an ninh của Israel và thành lập nhà nước Palestine là cách tốt nhất để ngăn chặn các cuộc tấn công của các nhóm vũ trang trong khu vực như Hezbollah tại Lebanon hay Houthi tại Yemen:
“Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều thấy các nhà lãnh đạo quyết tâm ngăn chặn cuộc xung đột tại Gaza lan rộng. Tương lai của khu vực cần phải là một tương lai hội nhập, không chia rẽ và không xung đột. Để đạt được điều này, chúng ta cần thấy việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập dù điều này sẽ không dễ dàng. Tất cả đều nhận ra những trở ngại và không ai nghĩ rằng bất cứ điều gì sẽ xảy ra chỉ sau một đêm. Nhưng chúng tôi đã đồng ý làm việc cùng nhau”.
Các nhà phân tích đã mô tả chuyến công du cũng là một phần nỗ lực của Mỹ nhằm "giữ thể diện" khi ngày càng có nhiều ý kiến chí trích Mỹ không gây sức ép đủ với Israel, cũng như không công khai thực hiện bất kỳ đòn bẩy thực sự nào nhằm chấm dứt xung đột tại dải Gaza. Dẫu vậy, điều này không có nghĩa là mọi hy vọng về ngoại giao đều bị dập tắt. Các quan chức Israel đầu tuần này đã đến Cairo để nối lại các cuộc đàm phán về việc trao trả các con tin.