Nguy cơ chiến tranh chống Syria tạm thời được đẩy lùi
VOV.VN - Vai trò tích cực của và sự hưởng ứng của Syria đã giúp tháo ngồi quả bom xung đột Syria vào phút chót.
Sau ngày họp thứ 2 tại văn phòng Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, các quan chức ngoại giao Nga và Mỹ hôm qua nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực tổ chức một hội nghị quốc tế nhằm chấm dứt cuộc xung đột Syria. Diễn biến tích cực những ngày vừa qua cho thấy, nguy cơ một cuộc chiến tranh chống Syria, có nguy cơ gây bất ổn toàn khu vực đã tạm thời được đẩy lùi.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 13/9 nhất trí sẽ tiếp tục gặp nhau vào ngày 28/9 tới, bên lề cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại thành phố New York (Mỹ), trong nỗ lực xúc tiến kế hoạch tổ chức một hội nghị hòa bình Geneva lần thứ 2 về Syria.
Phố cổ Syria (ảnh: globalvoiceonline) |
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hoan nghênh chính quyền Mỹ đã ý thức được tầm quan trọng của việc thúc đẩy một giải pháp ngoại giao trong cuộc khủng hoảng Syria. Ông cũng một lần nữa kêu gọi tất cả các phe phái trong xã hội Syria tham gia hội nghị này. Theo ông, các đảng phái tại Syria phải đạt được sự đồng thuận về một chính phủ chuyển tiếp, có quyền điều hành đầy đủ.
Đặc phái viên quốc tế về Syria Brahimi cũng cho rằng, đề xuất của Nga là rất quan trọng nhằm tổ chức một hội nghị quốc tế về hòa bình Syria. Được giao trọng trách chuẩn bị hội nghị này từ nhiều tháng nay, song ông Brahimi hoàn toàn lâm vào bế tắc do sự chia rẽ của cộng đồng quốc tế. Hội nghị 3 bên mới đây nhất với các quan chức ngoại giao cấp cao Nga và Mỹ diễn ra hồi tháng 6 vừa qua tại Geneva và không đạt được bất kỳ kết quả cụ thể nào.
Hiện chưa rõ liệu những cuộc thảo luận về vũ khí hóa học có thể giải quyết các khác biệt để đi tới một hội nghị hòa bình Geneva lần thứ 2 hay không, nhưng các nhà phân tích đều cho rằng đây là thời điểm thích hợp để các bên thống nhất lập trường. Đề xuất của Nga đã giúp mở ra một hướng mới trong giải quyết cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua tại Syria và đã nhận được phản ứng tích cực cả từ phía Syria và Mỹ, vốn đang ráo riết vận động cho một cuộc can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này.
Trong phát biểu ngày hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ hy vọng, cuộc gặp tại Geneva giữa các quan chức Nga và Mỹ sẽ mang lại kết quả và giúp đạt được một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Syria.
“Tôi hy vọng rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các quan chức ngoại giao Nga và Mỹ sẽ mang lại kết quả. Tuy nhiên tôi cũng một lần nữa nhắc lại rằng, bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần phải có tính khả thi và có thể kiểm chứng.”
Cùng ngày, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cho biết chính quyền Syria đã liên hệ và đề nghị cơ quan này trợ giúp về mặt kỹ thuật. Trước đó, ngày 12/9, Syria đã chính thức đề nghị tham gia Hiệp ước Quốc tế cấm vũ khí hóa học. Đây có thể được xem là bước đi đầu tiên nhằm hiện thực hóa những đề xuất của Nga, hướng tới tháo ngòi nổ chiến tranh tại Syria.
Theo kế hoạch gồm 4 bước nhằm kiểm soát kho vũ khí hóa học của Syria do Nga đề xuất, trước tiên Syria phải gia nhập Hiệp ước Quốc tế cấm vũ khí hóa học, tiếp đó sẽ công bố vị trí của các kho vũ khí hóa học và nguồn gốc xuất xứ của chúng để cho phép các thanh sát viên quốc tế tới Syria kiểm chứng và cuối cùng sẽ hợp tác với các thanh sát viên về cách thức tiêu hủy vũ khí hóa học.
Cựu phái viên quốc tế về Syria, cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan hôm qua cũng bày tỏ hy vọng cuộc gặp tại Geneva giữa các quan chức ngoại giao Mỹ và Nga sẽ giúp mở ra một con đường cho cuộc khủng hoảng Syria.
“Tôi hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục được chứng kiến những diễn biến tích cực về vấn đề này. Nga –Mỹ đã rất nỗ lực để tìm ra một giải pháp. Và tôi hy vọng, giải pháp hai bên đạt được sẽ không chỉ giúp giải quyết vấn đề vũ khí hóa học mà còn giúp tiến tới một giải pháp chính trị. Điều này sẽ có tác động tích cực đối với tình hình nhân đạo tại Syria hiện nay.”
Có thể thấy, bằng nỗ lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Nga, “ngòi nổ” Syria tạm thời an toàn. Song, việc Mỹ tuyên bố vẫn để ngỏ khả năng tấn công quân sự để “răn đe” thì ngòi nổ này vẫn có thể được kích hoạt bất kỳ lúc nào. Chính vì thế, điều quan trọng nhất lúc này là các bên phải thể hiện thiện chí đề cùng nhau hợp tác tìm ra giải pháp chính trị lâu dài bảo đảm sự ổn định, hòa bình bền vững cho đất nước Syria./.