Nhân viên an ninh Afghanistan đánh bom làm chết binh sĩ NATO
(VOV) - Kẻ đánh bom đã làm việc tại Cơ quan An ninh Quốc gia Afghanistan được 8 năm.
Khối thuốc nổ giấu trong áo khoác của tên này được kích hoạt khi y tiếp cận với phái đoàn NATO ngay lúc họ vừa bước ra khỏi máy bay trực thăng.
Hai người Mỹ, một là binh sĩ thuộc Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một là nhân viên dân sự, cùng 4 nhân viên tình báo người Afghanistan đã thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết tại thành phố Kandahar, thuộc miền nam Afghanistan hôm qua. Đây là diễn biến mới nhất trong làn sóng tấn công "nội bộ" nhằm vào các binh sĩ của liên quân ở Afghanistan đang gây nhiều lo ngại.
Nhân viên Cục An ninh Quốc gia Afghanistan (ảnh: AP) |
Một quan chức cấp cao thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Afghanistan (NDS) và người phát ngôn Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) thuộc NATO - Tướng Gunter Katz xác nhận với hãng tin AFP của Pháp rằng, kẻ thực hiện vụ đánh bom liều chết là nhân viên của Cơ quan An ninh Quốc gia Afghanistan. Người này đã làm việc tại Cơ quan An ninh Quốc gia Afghanistan được 8 năm và trước khi tiến hành vụ đánh bom, đã nắm được thông tin một phái đoàn quan chức NATO sẽ đến thăm Kandahar.
Trong một tuyên bố, Tổng thư ký NATO Rasmussen cho biết, chiến lược của NATO tại Afghanistan vẫn không thay đổi mặc dù có một số vấn đề đột biến gần đây bởi các cuộc tấn công nội bộ: “Thông báo này là kết quả logic của việc bàn giao trách nhiệm phụ trách an ninh cho phía Afghanistan. Điều đó không phải bởi vì Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế muốn thoát nhanh khỏi Afghanistan, cũng không phải bởi vì thiếu sự gắn kết trong liên minh. Trái lại, chúng tôi thống nhất trao trách nhiệm cho người Afghanistan để họ tiến lên phía trước với sự hậu thuẫn của lực lượng quốc tế”.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho rằng: “Cho dù, đối phương thay đổi chiến thuật, tấn công lực lượng quốc tế bằng các thiết bị nổ, bom xe, nhưng chúng tôi không cho phép những chiến thuật đó chia rẽ liên minh với các đối tác Afghanistan. Chúng tôi cũng không cho phép những chiến thuật đó làm chệch hướng nhiệm vụ mà lực lượng quốc tế đã cam kết”.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers nhận định, các chỉ huy tại Afghanistan đã không có lựa chọn nào khác khi số thương vong của lính Mỹ và NATO ngày một tăng. Chính hàng loạt vụ tấn công "quân ta bắn quân mình" nhằm vào binh lính NATO tại Afghanistan khiến Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ trong tháng 9 quyết định tạm ngưng nhiệm vụ huấn luyện tân binh của cảnh sát địa phương Afghanistan (ALP) cho đến khi toàn bộ hơn 16.000 binh lính được sàng lọc do nghi vấn có liên hệ với các tay súng nổi dậy tại quốc gia Nam Á này.
Hậu quả của việc ngưng hợp tác giữa NATO và Afghanistan là gì? Các nhà phân tích cho rằng, nó sẽ làm tổn hại nghiêm trọng sứ mạng chuyển giao quyền đảm bảo an ninh cho chính phủ nước này vào năm 2014. Rồi từ nay cho đến ngày đó, sự chia cắt giữa hai bên có thể tạo cơ hội cho lực lượng Taliban và al-Qaeda trỗi dậy mạnh mẽ và gieo rắc nỗi khiếp sợ lớn hơn, kinh hoàng hơn. Điều này phản ánh một thực tế rằng, nếu không xử lý dứt điểm tình trạng này, Taliban sẽ dần giành được quyền kiểm soát Afghanistan và làm bàn đạp cho kế hoạch độc chiếm lại Nam Á, Trung Đông. Khi đó, tiền của và công sức mà các nước thuộc liên quân đã đổ vào chiến trường này sẽ trở nên vô ích và một lần nữa, NATO lại phải nếm trải cảm giác “trắng tay”, giống như những gì đã và đang diễn ra tại Iraq./.