Nhật Bản chỉ trích Triều Tiên sau tuyên bố ngừng đàm phán
VOV.VN - Chính phủ Nhật Bản hôm nay lên tiếng chỉ trích Triều Tiên đe dọa dừng đàm phán về số phận những công dân Nhật Bản bị bắt cóc.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yohishide Suga chỉ trích những lý do mà Triều Tiên đưa ra về chấm dứt đàm phán là “không thể chấp nhận được”: “ Tuyên bố của Triều Tiên đưa ra là vô cùng đáng tiếc. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi mạnh mẽ Bình Nhưỡng nhanh chóng tiến hành điều tra về vụ công dân Nhật Bản bị bắt cóc và gửi cho chúng tôi những báo cáo trung thực, cụ thể coi đây là sự tôn trọng các thỏa thuận đã ký giữa Nhật Bản và Triều Tiên”.
Trước đó, ngày 26/3, cảnh sát Nhật Bản đã khám xét tư dinh của ông Ho Jong Man, Chủ tịch Tổng hội người Triều Tiên tại Nhật Bản, vì tình nghi liên quan hoạt động nhập khẩu trái phép nấm từ Triều Tiên. Giới chức Nhật Bản cho biết quá trình khám xét là hoạt động độc lập của lực lượng cảnh sát, hoàn toàn không liên quan tới tiến trình đàm phán giữa chính phủ Triều Tiên và Nhật Bản hiện nay.
Tháng 5/2014, Nhật Bản và Triều Tiên đã ký kết một thỏa thuận theo đó, Triều Tiên sẽ tiến hành điều tra toàn diện về số phận của các công dân Nhật Bản trên đất Triều Tiên, trong đó có những người bị bắt cóc vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước. Đổi lại, Nhật Bản sẽ dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đơn phương nhằm vào Triều Tiên.
Sau cuộc đàm phán hồi đầu tháng 7/2014, Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt Triều Tiên khi Bình Nhưỡng đồng ý thành lập một Ủy ban đặc biệt điều tra toàn diện vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc, bao gồm những người được cho là mất tích. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay cuộc điều tra không có tiến triển rõ rệt nào, mặc dù sắp đến thời hạn chót cho việc điều tra lại vào mùa hè này.
Năm 2002, Triều Tiên thừa nhận bắt cóc 13 người Nhật Bản, trong đó 8 người đã qua đời tại Triều Tiên, 5 người còn lại đã được trả về Nhật Bản. Trong khi đó, Tokyo khẳng định có 17 người Nhật Bản bị bắt cóc, đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng tiếp tục điều tra và trao trả 12 người được cho là hiện vẫn sống tại Triều Tiên. Vấn đề đề này đã ngăn cản việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia ở khu vực Bắc Á này./.