Nhật Bản kiểm soát dịch COVID-19 như thế nào?
VOV.VN -Tuy đạt thành công nhất định trong việc kìm hãm dịch COVID-19 lây lan, Nhật Bản tỏ ra thận trọng và tiếp tục các biện pháp hạn chế phòng ngừa.
Mặc dù nằm gần Trung Quốc, Nhật Bản chưa rơi vào tình trạng “vỡ trận”, buộc phải phong toả trên diện rộng như ở nhiều nước châu Âu và Bắc Mỹ. Vậy người Nhật đã làm gì khác biệt để kìm hãm tốc độ lây lan của COVID-19?
Dường như mối lo sợ về virus COVIDS-19 đã không còn trong tâm trí nhiều người Nhật đi thưởng ngoạn hoa anh đào nở tại Nhật vào cuối tuần qua. Hàng ngàn người ngồi dưới những 'đám mây' hoa màu hồng ở công viên và dọc các đại lộ để nghỉ ngơi, ăn trưa uống bia và chụp ảnh selfie với hoa.
Công viên Ueno, Tokyo ngày 22/3/2020. Ảnh: Reuters |
“Hanami, lễ hội ngắm hoa anh đào, là sự kiện quan trọng nhất trong năm đối với người Nhật chúng tôi”, một nhân viên làm việc tại công viên Ueno ở Tokyo cho biết.
Đó là hình ảnh tương phản lớn với châu Âu lúc này. Cho đến nay, Nhật bản có 10 điểm dịch bùng phát với 1923 ca nhiễm và 43 trường hợp tử vong do COVID-19 được xác nhận tính đến cuối ngày 24/3. Con số này cho thấy mỗi ngày có hàng chục ca nhiễm mới. Con số này có thể đã lớn hơn nhiều bởi Nhật Bản là nước có mật độ dân số cao và là nước có tỉ lệ dân số cao tuổi lớn nhất thế giới. Và Nhật Bản có mối tiếp xúc gần gũi với Trung Quốc, nơi corona khởi phát. Khoảng 925.000 người Trung Quốc đi du lịch đến Nhật Bản vào tháng 1/2020, và khoảng 89.000 người Trung Quốc đến Nhật vào tháng 2/2020.
Ngăn chặn sự lây lan
Con số ca nhiễm COVID-19 thấp hơn dự đoán được công bố tại Nhật đã làm dấy lên mối hoài nghi chính phủ Nhật đang che đậy sự thật.
Bà Barbara Holthus, nhà xã hội học đang công tác tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản của Đức tại Tokyo cho hay: “Sau thảm họa thiên nhiên Fukushima vào năm 2011, chính phủ Nhật ban đầu từ chối thừa nhận sự rò rỉ phóng xạ từ lò phản ứng. Do vậy, cho đến nay, người dân hoài nghi về những thông báo chính thức của chính phủ.”
Mặc dù có khả năng tiến hành 6000 ca xét nghiệm chẩn đoán mỗi ngày, song cho đến nay Nhật Bản mới chỉ thực hiện khoảng 14000 ca xét nghiệm swab (lấy mẫu vi sinh trên bề mặt), ít hơn 20 lần so với nước láng giềng Hàn Quốc, nơi COVID-19 hoành hành dữ dội. Chỉ có các bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng nhất mới được xét nghiệm, chuyên gia về virus Masahiro thuộc Viện nghiên cứu Quản lý Y tế Nhật Bản cho biết. Chuyên gia này cho biết thêm rằng điều đó có nghĩa là số trường hợp chưa thống kê có thể rất cao.
Nhà khoa học chính trị Koichi Nakano cho rằng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có lẽ muốn giữ hình ảnh Nhật Bản là một đất nước an toàn với tư cách là nước đăng cai Thế Vận hội Mùa hè, mặc dù Uỷ ban Olympic Quốc tế đã quyết định hoãn tổ chức sự kiện này sang mùa hè 2021.
Để đối phó với đại dịch COVID-19, chính phủ Nhật đã ra chỉ thị đóng cửa tất cả các trường học hai tuần trước lễ hội mùa xuân vào cuối tháng 3. Song cửa hàng và nhà hàng vẫn được phép mở cửa và một số nhân viên Nhật quyết định làm việc từ xa.
Các chuyên gia thuộc Bộ Y Tế Nhật đã phản bác chỉ trích này và cho biết Nhật đang tìm kiếm mẫu trong các ca nhiễm COVID-19 để ngăn chặn virus này thay vì tiến hành xét nghiệm rộng khắp. Ví dụ, khi dịch bệnh xuất hiện ở trường tiểu học ở bán đảo Hokkaido miền Bắc Nhật Bản, chính quyền địa phương đã ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học và tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Sau 3 tuần tình trạng lây lan dừng lại, “Số xét nghiệm thấp là vì Nhật muốn đảm bảo nguồn lực chăm sóc y tế cho những trường hợp lây nhiễm nghiêm trọng”, nhà khoa học chính trị thuộc Đại học Tokyo Sebastian Maslow diễn giải.
Dịch Covid-19 cơ bản "phủ kín" Nhật Bản
Khẩu trang là 'một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi'
Cách chào hỏi của người Nhật, cúi người thay vì bắt tay hay hôn vào má, cũng đóng một vài trò trong việc ngăn chặn sự lây lan, cũng như việc dạy giữ gìn vệ sinh cơ bản từ thủa bé.
“Rửa sạch tay, sử dụng dung dịch sát khuẩn và đeo khẩu trang là những thủ tục trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi. Chúng tôi không cần virus corona dạy chúng tôi làm điều đó”, một bà mẹ có hai con chia sẻ. Có lẽ nhờ vậy, Nhật Bản không gặp khó khăn trong việc chuyển sang chế độ chống lây nhiễm vào tháng 2 khi virus này bắt đầu lan đến Nhật. Các cửa hiệu và các công ty để nước rửa tay ở cửa ra vào và đeo khẩu trang là bổn phận của công dân.
Nhật Bản tiêu thụ trung bình 5,5 tỉ khẩu trang mỗi năm, tương đương 43 chiếc tính bình quân trên đầu người. Số lượng khẩu trang bán ra tăng kỷ lục khi virus hoành hành. Khẩu trang được bán theo hạn định và mọi người xếp hàng kiên nhẫn chờ cửa hàng mở cửa. Các cửa hiệu khác bán các mảnh vải và tấm vải lọc cà phê cùng hướng dẫn về các hình thức tự làm lấy khẩu trang.
Người Nhật dường như thấu hiểu rằng ai cũng có thể nhiễm cho dù không có dấu hiệu, Michael Paumen, doanh nhân người Đức sống nhiều năm tại Nhật nhận xét. “Bạn đeo khẩu trang để bảo vệ người khác, vì thế bạn không truyền virus cho người khác nếu có.”
Việc sử dụng khẩu trang rộng khắp dường như đã góp phần làm giảm sự lây lan không chỉ COVID-19 bởi số lượng các bệnh nhân cúm tại Nhật trong 7 tuần qua giảm mạnh kể từ khi có dịch COVID-19. Một công trình nghiên cứu gần đây của 5 bác sỹ phương Tây bao gồm Fabian Svara thuộc nhóm nghiên cứu Caesar tại Bonn và Matthias Samwald thuộc Đại học Y tại thủ đô Vienna (Áo) cho thấy khẩu trang góp phẩn “giảm nguy cơ nhiễm virus qua giọt nước bọt bắn ra hay qua khí dung giao (dịch nước bọt bắn ra trộn lẫn với không khí) từ người bệnh".
Ngoài các biện pháp giữ giãn cách xã hội và rửa tay, các chuyên gia kết luận rằng đeo khẩu trang có thể đóng vai trò quan trọng trong việc kìm hãm dịch bệnh lây lan tại Nhật.
Quốc tế đánh giá cao quyết định hoãn Olympic Tokyo của Nhật Bản
Cuộc sống bình thường dần được nối lại
Trước những thành công nhất định này, tuần qua Thủ tướng Nhật đã trì hoãn việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn nước Nhật. Kể từ đó, người Nhật đã chậm rãi quay trở lại cuộc sống thường nhật. Các trường học mở cửa trở lại và học sinh ngồi cách xa nhau trong các phòng học có hệ thống thông hơi tốt. Các công viên giải trí mở cửa trở lại song những ai ốm được khuyến nghị ở nhà.
Lạc quan song không chủ quan
Cẩn trọng về làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể xuất hiện, chính phủ Nhật tuyên bố hiện tại chỉ có các trường học ở các khu vực không có bệnh nhân nhiễm COVID-19 mới được phép mở cửa trở lại vào kỳ học mới bắt đầu vào tháng 4.
Đồng thời, chính phủ Nhật đã công bố một số biện pháp để kiềm chế dịch COVID-19 như tiếp tục hạn chế tổ chức các sự kiện lớn, tăng số giường bệnh tại các bệnh viện chữa trị bệnh nhân COVID-19 và lập kế hoạch xây dựng các biện pháp hỗ trợ kinh tế quy mô lớn.
Tại Tokyo, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng đột biến trong các ngày gần đây, Thị trưởng thành phố, Yuriko Koike, cho biết Tokyo có thể sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, trong đó có khả năng phong tỏa thành phố khi cần thiết.
Các công dân nước ngoài, như công dân Hàn Quốc và EU, vẫn bị hạn chế nhập cảnh vào Nhật. Những người nước ngoài có giấy phép cư trú tại Nhật được phép quay trở lại Nhật song phải cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh. Theo nguồn tin không chính thức, các biện pháp này sẽ tiếp tục có hiệu lực đến ít nhất là cuối tháng 4./.