Nhật Bản kỷ niệm ngày kết thúc chiến tranh
VOV.VN - Nhân kỷ niệm ngày kết thúc chiến tranh, Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức Lễ tưởng niệm 3,1 triệu người Nhật chết trong cuộc chiến.
Nhật Bản ngày 15/8 kỷ niệm ngày kết thúc chiến tranh. Mặc dù cuộc chiến đã chấm dứt cách đây 69 năm nhưng những ảnh hưởng của nó vẫn còn khá rõ ràng, không chỉ đối Nhật Bản mà với cả 2 quốc gia láng giềng Hàn Quốc và Trung Quốc.
Nhân kỷ niệm ngày kết thúc chiến tranh, Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức Lễ tưởng niệm 3,1 triệu người Nhật chết trong cuộc chiến. Nhật hoàng Akihito, Thủ tướng Shinzo Abe và khoảng 6000 thân nhân của những người đã mất đã tham dự lễ tưởng niệm.
Phát biểu tại Lễ tưởng niệm, Thủ tướng Abe nói: “Đối diện với lịch sử một cách khiêm nhường, khắc sâu vào lòng những bài học, chúng ta đang mở ra tương lai của đất nước cho thế hệ hôm nay và ngày mai”.
Trong ngày kỷ niệm kết thúc chiến tranh, Thủ tướng Abe với tư cách Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã gửi tặng phẩm đến viếng đền Yasukuni, nơi thờ lính Nhật chết trận bao gồm cả 14 tội phạm chiến tranh. Ba thành viên trong nội các của ông A-bê gồm Chủ tịch Ủy ban công an quốc gia Keiji Furuya, Bộ trưởng Nội vụ Yoshitaka Shindo và Quốc vụ khanh phụ trách cải cách hành chính Tomomi Inada cùng 84 nghị sĩ Nhật Bản cũng đã đến viếng đền trong ngày hôm nay.
Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc Thủ tướng Abe gửi lễ vật và các quan chức Nhật Bản đến viếng đền Yasukuni. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh gọi đây là thái độ sai lầm đối với lịch sử và cho biết Trung Quốc cực lực phản đối hành động này.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định sự phản đối của Trung Quốc dường như bớt gay gắt hơn năm ngoái. Năm ngoái, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh để phản đối trong khi năm nay mới chỉ dừng lại ở hình thức phản đối qua điện thoại. Đây có thể là động thái nhằm làm giảm căng thẳng giữa hai nước trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới tại Bắc Kinh.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao nước này ra tuyên bố lấy làm tiếc về việc Thủ tướng Abe gửi lễ vật và cực lực phản đối các quan chức Nhật Bản viếng đền Yasukuni. Tuyên bố cho biết Hàn Quốc coi ngôi đền là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân của Nhật Bản.
Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng phát tín hiệu tích cực tới Nhật Bản khi Tổng thống nước này Park Geun Hye tuyên bố muốn lấy năm 2015, năm kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ Nhật – Hàn, là năm khởi đầu cho một tương lai mới giữa hai nước.
Phát biểu trong Lễ kỷ niệm ngày Bán đảo Triều Tiên được giải phóng khỏi ách thực dân của Nhật Bản ngày 15/8, Tổng thống Park Geun Hye nói: “Tôi cầu mong năm sau sẽ trở thành năm hai nước cùng bắt đầu hướng tới một tương lai mới trên cơ sở tình cảm bạn bè giữa người dân hai nước. Để làm được điều đó, tôi hy vọng vào trí tuệ và quyết định của các nhà lãnh đạo chính trị Nhật Bản”.
Tổng thống Park Geun Hye cũng lên tiếng thúc giục Nhật Bản giải quyết vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị bắt làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản, coi đây là yếu tố giúp phát triển vững chắc quan hệ song phương.
Theo giới phân tích, mặc dù vấn đề lịch sử lại tiếp tục nổi lên trong dịp kỷ niệm kết thúc chiến tranh năm nay nhưng cả 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc dường như đều không muốn để vấn đề này ảnh hưởng hơn nữa đến quan hệ song phương vốn đang lạnh giá./.