Vì sao Thủ tướng Nhật Bản không tới thăm đền Yasukuni?
VOV.VN - Theo giới phân tích, bằng động thái này, ông Abe đã gửi đi một thông điệp thiện chí, mong muốn cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã quyết định không đến thăm ngôi đền chiến tranh Yasukuni vào ngày kỷ niệm 69 năm Nhật Bản đầu hàng Đồng minh trong Thế chiến II, thay vào đó ông Abe chỉ gửi đồ lễ đến viếng ở đền Yasukuni.
Đây được coi là một nỗ lực của ông Abe nhằm tạo môi trường cho Hội đàm cấp cao với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà Nhật Bản đang đề xuất tổ chức vào tháng 11 tới bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh.
Ngôi đến Yasukuni ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: japan-guide)
Ông Abe không tới viếng đền Yasukuni nhưng hai thành viên cấp cao trong Nội các Nhật Bản ngày 15/8 đã có mặt tại ngôi đền gây nhiều tranh cãi này. Theo Tân Hoa xã, hai vị quan chức nói trên là Bộ trưởng Nội vụ Nhật Bản Yoshitaka Shindo và Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Keiji Furuya.
Đền Yasukuni thờ 14 tội phạm chiến tranh loại A cùng với hàng triệu nạn nhân chiến tranh khác, chính vì vậy ngôi đến này được nhiều người cho là biểu tượng quá khứ xâm lược của Nhật Bản. Bất kỳ chuyến thăm nào của các quan chức Chính phủ Nhật Bản tới đền Yasukuni đều chọc tức Trung Quốc và Hàn Quốc – hai nước từng là nạn nhân của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.
Kể từ khi chính thức lên nhậm chức hồi tháng 12/2012 đến nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn chưa một lần hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nguyên nhân được cho là do những bất đồng về các vấn đề lãnh thổ và lịch sử giữa hai nước.
Ông Abe chấp nhận lùi một bước để tiến xa hơn
Bằng quyết định không viếng đền Yasukuni trong thời điểm nhạy cảm này, ông Abe đã gửi đi một thông điệp thiện chí, mong muốn cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi khi động thái này có khả năng làm dấy lên sự chỉ trích của những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản.
Bình luận về quyết định của ông Abe, giáo sư Liang Yunxiang tại khoa nghiên cứu quốc tế, trường Đại học Bắc Kinh nhận định: “Gần đây, quan hệ Trung - Nhật đang có những dấu hiệu được cải thiện, Ngoại trưởng hai nước vừa gặp nhau và cả hai đang nỗ lực để có thể tổ chức một cuộc Hội đàm cấp cao Trung – Nhật vào tháng 11 tới”.
Tuần trước, Ngoại trưởng Trung - Nhật đã lần đầu gặp nhau dưới thời Chính quyền Thủ tướng Abe ở Myanmar. Đây được cho là một dấu hiệu tích cực đối với cuộc Hội đàm cấp cao do Nhật Bản đề xuất.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida cho biết, hai bên đã trao đổi thẳng thắn những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa hai nước. Ông Kishida bày tỏ hy vọng cuộc gặp này sẽ là sự khởi đầu cho việc hàn gắn quan hệ vốn đang lạnh giá giữa hai nước.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh rằng cuộc gặp được tổ chức theo đề xuất của phía Nhật Bản chứ không phải của Trung Quốc. Theo ông Hồng Lỗi, tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Vương Nghị đã nhắc lại lập trường nguyên tắc của phía Trung Quốc và yêu cầu Nhật Bản có các nỗ lực thích hợp để khắc phục những trở ngại chính trị hiện đang tồn tại giữa hai nước.
Mặc dù cả Nhật Bản và Trung Quốc đều tránh đề cập tới nội dung chi tiết cuộc gặp nhưng giới quan sát cho rằng, tại cuộc gặp này, Ngoại trưởng Nhật Bản đã kêu gọi sự hợp tác của Trung Quốc nhằm tổ chức cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thời gian diễn ra Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 tới tại Bắc Kinh.
Chuyến thăm đền Yasukuni gây tranh cãi của Thủ tướng Abe hồi năm 2013 (Ảnh: AP)
Không đến, ông Abe gửi đồ lễ tới Yasukuni
Nghị sĩ của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ông Koichi Hagiuda nói với các phóng viên tại đền Yasukuni rằng, ông thay mặt Thủ tướng đến cung tiến cho đền Yasukuni. Theo nghị sĩ Hagiuda, trong khi không tiết lộ lý do tại sao lại tránh xuất hiện tại đền Yasukuni, ông Abe đã nói với ông rằng, Nhật Bản cam kết hòa bình vĩnh cửu. Trước đó, sau chuyến thăm ngôi đền chiến tranh hồi tháng 12/2013, ông Abe nói rằng ông viếng đền để tưởng nhớ những người đã khuất và không có ý định xúc phạm các nước khác.
Bộ trưởng Nội vụ Nhật Bản Yoshitaka Shindo, một trong hai quan chức cấp cao của Nhật Bản có mặt tại đền Yasukuni sáng 15/8 nói với các phóng viên: “chuyến viếng thăm mang lại cho tôi cảm giác chiến tranh sẽ không bao giờ xảy ra nữa”.
Lee Won Deog, một giáo sư chuyên nghiên cứu về Nhật Bản tại Đại học Kookmin ở Seoul nói: “Đối với Hàn Quốc, ngôi đền này tượng trưng cho sự tàn bạo của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong quá khứ và hành động mở rộng quân sự với Hàn Quốc. Các chuyến viếng thăm của giới lãnh đạo Nhật Bản đến đền Yasukuni cũng đồng nghĩa với việc Nhật Bản tiếp tục bỏ qua nỗi đau mà họ từng gây ra cho các nước láng giềng”.
Trong khi đó, căng thẳng trong mối quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông những năm gần đây chẳng những không hạ nhiệt mà lại có dấu hiệu gia tăng khi Toyko tuyên bố quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc quần đảo này hồi tháng 9/2012.
Nhân vật chính vẫn là Thủ tướng Abe
Dong Wang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Đông Bắc Á tại Đại học Bắc Kinh tỏ ra khá bi quan khi cho rằng, Nhật Bản sẽ không dễ gì thay đổi quan điểm về các vấn đề lịch sử bởi ông Abe là một người “cực kỳ trung thành với chủ nghĩa dân tộc”.
Ông Wang nói: “Những dịp kỷ niệm ngày 15/8 là thời khắc quan trọng mà qua đó có thể phát đi một tín hiệu cho chúng ta quan sát, theo dõi và đánh giá được những gì mà ông Abe muốn theo đuổi. Tốt nhất, chúng ta chỉ nên hy vọng vào một cuộc họp ngắn không chính thức giữa ông Tập và ông Abe mặc dù điều này phụ thuộc rất nhiều vào hành động của ông Abe”.
Các quan chức trong Nội các Nhật Bản viếng đền Yasukuni hôm 15/8 (Ảnh: Bloomberg)
Giáo sư Liang Yunxiang cho rằng, động cơ chính khiến Tokyo mong muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh không ngoài lợi ích kinh tế. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, kim ngạch thương mại song phương Trung – Nhật năm 2013 là 343 tỷ USD.
Ông Liang nói thêm: “Nền kinh tế Trung Quốc hiện không được ‘khỏe’ và nếu tăng trưởng tiếp tục chậm lại, không chỉ có Nhật Bản mà Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng. Giờ đây chính sách ngoại giao của Trung Quốc đang gặp phải một số vấn đề, bao gồm cả mối quan hệ căng thẳng với các nước Đông Nam Á. Vì vậy, Trung Quốc cũng mong muốn cải thiện môi trường ngoại giao”.
Nhật - Hàn bất hòa, Mỹ đau đầu
Không chỉ có Trung Quốc, Hàn Quốc cũng không ưa gì Nhật Bản khi họ cho rằng, những hành động và tuyên bố của Nhật Bản không đủ để chuộc lỗi cho những gì binh sỹ Nhật Bản đã làm với phụ nữ nước này trong chiến tranh. Ngoài ra, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bị cuốn vào những tranh cãi liên quan đến một nhóm đảo ở biển Nhật Bản.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình kỷ niệm 35 năm ngày kết thúc sự chiếm đóng của Nhật Bản hôm 14/8, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tuyên bố, Nhật Bản cần phải cố gắng hàn gắn vết sẹo chiến tranh, xoa dịu nỗi đau của những phụ nữ Hàn từng phải phục vụ như nô lệ tình dục cho binh lính Nhật hiện vẫn còn sống.
Cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga trả lời báo giới cho hay, ông hy vọng rằng Nhật Bản sẽ đưa ra một tuyên bố hướng tới tương lai để đánh dấu kỷ niệm 70 năm kết thúc xung đột vào năm tới.
Có thể nói, những căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách đối ngoại trong khu vực, tạo ra hố sâu ngăn cách giữa hai đồng mình quan trọng bậc nhất của Mỹ ở châu Á. Điều này chắc hẳn không khiến Nhà Trắng hài lòng bởi đây là thời điểm chính quyền của Tổng thống Barack Obama cần đến Hàn Quốc và Nhật Bản hơn bao giờ hết để xây dựng một mặt trận thống nhất đối phó với một Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán hơn./.