Nhật Bản: Mảnh vỡ do sóng thần gây hại cho sinh thái
(VOV) - Nhóm các nhà nghiên cứu đã vớt được hơn 900 mảnh vỡ các loại, hầu hết là gỗ và nhựa; các mảnh vỡ còn có cả trong bụng cá ngừ.
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản vừa cảnh báo rằng những mảnh vỡ từ trận sóng thần tấn công vùng đông bắc Nhật Bản hồi tháng 3/2011 có thể gây hại cho hệ sinh thái biển trong một thời gian dài.
Rác ngoài khơi bờ biển của Nhật Bản sau thảm họa sóng thần (Ảnh: noaa.gov) |
Chiếc tàu chở nhóm các nhà nghiên cứu của trường Đại học Kagoshima đã rong ruổi trên Thái Bình Dương, từ Nhật Bản đến Hawaii trong suốt tháng 8 và tháng 9 vừa qua để quan sát sự hiện diện của các mảnh vỡ trên biển do sóng thần gây ra.
Họ đã vớt hơn 900 mảnh vỡ các loại, hầu hết trong số đó là gỗ và nhựa. Một số mảnh vỡ được tìm thấy trong bụng của cá ngừ mà các nhà nghiên cứu đánh bắt được. Mặc dù không phải tất cả các mảnh vỡ được tìm thấy đều có nguồn gốc từ các khu vực bị sóng thần tàn phá, song một số thiết bị đánh cá rõ ràng là có nguồn gốc từ vùng đông bắc Nhật Bản.
Các nhà nghiên cứu cho biết các mảnh vỡ này có thể gây tác hại lớn đến hệ sinh thái biển, đặc biệt là các loài cá và chim biển./.