Nhật Bản - Triều Tiên đối thoại trực tiếp

Bộ Ngoại giao Nhật Bản: cuộc đối thoại này sẽ tiến hành ở cấp chuyên viên, đặt nền móng cho các cuộc gặp ở cấp cao hơn.

Ngày 29/8, Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên tiến hành cuộc đối thoại trực tiếp lần đầu tiên trong vòng 4 năm qua tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.

Đây được coi là bước đột phá về ngoại giao của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-Un kể từ khi ông lên nắm quyền cuối năm ngoái. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cuộc đối thoại này sẽ tiến hành ở cấp chuyên viên, đặt nền móng cho các cuộc gặp ở cấp cao hơn sẽ được tổ chức sau đó.

Trọng tâm cuộc đối thoại sẽ bàn về số phận của các công dân Nhật Bản bị CHDCND Triều Tiên bắt trong những thập kỷ trước. Cuộc gặp diễn ra trong 2 ngày, được tổ chức sau khi Hội Chữ thập đỏ 2 nước đề nghị cả 2 chính phủ hỗ trợ hoạt động tìm kiếm hài cốt binh sĩ Nhật Bản thiệt mạng trong Chiến tranh thế giới thứ 2 tại CHDCND Triều Tiên.

Theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura, chính phủ Nhật Bản hiểu rằng, các vấn đề quan hệ song phương giữa hai nước luôn bao hàm cả các vấn đề liên quan đến việc công dân Nhật Bản bị bắt trước đây.

Ông cũng nhấn mạnh, chính phủ Nhật Bản luôn thực hiện các quyết sách dựa trên nguyên tắc giải quyết các bất đồng còn tồn tại trong quá khứ nhằm khôi phục quan hệ song phương bình thường hóa giữa 2 nước. Cuộc đối thoại lần này sẽ là sự chuẩn bị để hai nước thực hiện các cuộc tiếp xúc khác trong thời gian tới.

Vào năm 2002, CHDCND Triều Tiên thừa nhận, trong những năm 1970 -1980, các đặc vụ của nước này đã bắt một số công dân Nhật Bản để “giúp đào tạo ngôn ngữ và phong tục tập quán sở tại” cho các điệp viên Triều Tiên.

Phía CHDCND Triều Tiên cũng đã thả 5 người cùng thân nhân của họ về Nhật Bản và cho biết những người còn lại đã chết. Tuy nhiên, vẫn có một số thông tin cho rằng, CHDCND Triều Tiên có thể vẫn đang giữ số công dân này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên