Nhật cứu dân Trung Quốc rơi khinh khí cầu ở biển Hoa Đông
VOV.VN - Người đàn ông trên chiếc khinh khí cầu đã được phía Nhật Bản trao trả cho Cảnh sát biển Trung Quốc.
Hãng tin Reuters ngày 2/1 đưa tin, khinh khí cầu của một người đàn ông Trung Quốc đã bị rơi xuống khu vực biển Hoa Đông, khi anh này có ý định bay tới quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Chiếc khinh khí cầu của Xu Shuaijun rơi ở biển Hoa Đông (Ảnh: Reuters) |
Reuters dẫn nguồn tin từ Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho hay, công dân Trung Quốc được cứu sống có tên là Xu Shuaijun, 35 tuổi, người tỉnh Hà Bắc, hiện đang làm nghề đầu bếp.
Tham vọng thực hiện chuyến bay bằng khinh khí cầu của Xu Shuaijun đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trong ngày đầu tiên của năm mới bất thành sau khi khinh khí cầu của anh bị trục trặc và rơi xuống biển.
Nỗ lực này của người đàn ông Trung Quốc dường như không có tác động lớn đến quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong thời gian gần đây. Phát ngôn viên của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho hay, anh này đã được phía Nhật Bản trao trả cho Cảnh sát biển Trung Quốc.
Theo Reuters, trước đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản nhận được tín hiệu cầu cứu và đã cử 2 tàu tuần tra cùng 1 trực thăng đến ứng cứu. Xu Shuaijun được tìm thấy ở vị trí cách đảo Uotsuri 22km về phía Nam.
Tờ South China Morning Post cho hay, người đàn ông này cho biết, anh ta bắt đầu chuyến bay bằng khinh khí cầu tới quần đảo tranh chấp từ thành phố Fuqing, tỉnh Phúc Kiến vào 7h sáng ngày 1/1 và mới chỉ bay được 30 phút thì gặp nạn.
Cũng trong ngày 1/1, trong Thông điệp năm mới của mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khẳng định quyết tâm thay đổi bản Hiến pháp hòa bình mà Mỹ đã áp đặt lên nước này sau khi nước Nhật bại trận trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Ông Abe tuyên bố: “Nhật Bản sẽ đóng vai trò chủ động hơn bao giờ hết đối với hòa bình và ổn định trên thế giới. Chúng tôi kiên quyết bảo vệ đầy đủ tính mạng và tài sản của công dân cũng như lãnh thổ, lãnh hải và không phận của chúng tôi”.
Thủ tướng Abe hiện đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích gay gắt từ phía Trung Quốc, Hàn Quốc và thậm chí là cả Mỹ vì chuyến thăm đền Yasukuni – ngôi đền được coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản./.