Nhiều chông gai trong tiến trình hòa bình Trung Đông
VOV.VN - Chuyển biến đạt được giữa Israel và Palestine chưa đủ để giải quyết bất đồng trong tiến trình đàm phán Trung Đông.
Sau những nỗ lực ngoại giao con thoi không mệt mỏi trong suốt 5 tháng qua của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Israel và Palestine vừa nhất trí sẽ gặp nhau trong thời gian sớm nhất tại Washington, Mỹ để thảo luận các chi tiết cuối cùng về việc nối lại tiến trình đàm phán bị bế tắc từ năm 2008. Tuy nhiên, nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ Kerry có thể lại “tan thành mây khói” nếu cả Palestine và Israel không giải quyết những bất đồng cơ bản nhất trong tiến trình đàm phán Trung Đông, đặc biệt là việc xây dựng các khu định cư của Israel. Đó là nhận định chung của cả Israel và Palestine về vấn đề nêu trên.
Phát biểu tại cuộc gặp nội các hàng tuần ngày 21/7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên tiếng cảnh báo sớm rằng, không nên quá kỳ vọng về tiến trình hòa bình Trung Đông. Theo ông, cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine tại Washington tuần tới sẽ hết sức “gian nan và căng thẳng”. Dù có đạt được bất cứ thỏa thuận nào với Palestine, Israel cũng đều sẽ phải đưa ra trưng cầu ý dân tại nước này.
Trưởng đoàn đàm phán của Israel, bà Tzipi Livni, ngày 20/7, cũng đã bày tỏ lạc quan thận trọng về việc Israel và Palestine sẽ sớm nối lại các cuộc đàm phán hòa bình. Bà Livni cho biết: “Chúng tôi đã thông báo rằng phía Israel nhận lợi đàm phán với một thái độ trách nhiệm lớn. Tất cả các vấn đề sẽ được thảo luận nhưng chúng tôi sẽ hành động một cách có trách nhiệm để bảo vệ lợi ích quốc gia của Israel”.
Giới chức Israel đã nhiều lần lên tiếng về việc nối lại đàm phán với Palestine song không kèm theo điều kiện tiên quyết. Ngược lại, Palestine luôn khẳng định, các cuộc đàm phán giữa hai bên cần phải dựa trên các đường biên giới đã được xác định trước cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Đây được xem là một yêu cầu khó được phía Israel đáp ứng khi Israel liên tục cho triển khai các khu định cư mới trên các vùng đất mà Palestine lựa chọn là thủ đô tương lai, trong đó có Đông Jerusalem.
Trong một tuyên bố, ông Dani Dayan, một quan chức ngoại giao phụ trách việc xây dựng khu định cư của Israel mô tả “giải pháp hai nhà nước” giống như một người khát nước khi đi trên sa mạc. Họ mong muốn được uống thật nhiều nước nhưng khi đến gần chỉ là hơi nước đang bốc lên. Đó chính là hình ảnh chân thực nhất về giải pháp hai nhà nước, một ảo ảnh sa mạc phi thực tế”.
Thực tế này cũng đã khiến Palestine không khỏi lo ngại về đàm phán. Trong một tuyên bố, ông Mushir al-Masri, giới chức phong trào Hamas đang quản lý Dải Gaza bày tỏ: “Điều mà chúng tôi mong muốn Tổng thống Mahmoud Abbas và các quan chức Palestine đàm phán với Israel phải thực hiện được chính là "quay trở lại những cốt lõi lợi ích quốc gia và đồng thuận trên một chiến lược chung, một chiến lược ra khỏi những điều kiện mà Israel và Mỹ đặt ra”.
Theo đánh giá chung của dư luận và giới phân tích, chuyển biến lịch sử vừa đạt được giữa Israel và Palestine chưa phải là đích đến cuối cùng để có hòa bình và các bên vẫn cần có thêm nhiều nỗ lực nữa. Còn rất nhiều thách thức ở phía trước cần hai bên phải vượt qua. Đó không chỉ là sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Palestine giữa nhóm Hamas đang quản lý Dải Gaza và chính quyền tại Bờ Tây khi tổ chức này đã lên tiếng cho biết Tổng thống Abbast không có quyền hợp pháp để thương lượng thay cho người dân Palestine. Ngoài ra, việc vòng đối thoại sắp tới có dẫn đến những kết quả cụ thể và có thể chấp nhận được cho cả hai bên để cùng tiến tới nền hòa bình lâu dài hay không vẫn còn để ngỏ.
Theo thỏa thuận đạt được giữa Israel và Palestine ngày 19/7 vừa qua, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã đồng ý trở lại bàn đàm phán sau khi nhận được khẳng định từ Ngoại trưởng Mỹ Kerry rằng, cơ sở cho hòa đàm sẽ là đường biên giới trước cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Israel cũng sẽ không cấp phép để xây dựng các khu định cư của người Do Thái tại lãnh thổ Bờ Tây của người Palestine, một trong những động thái đã hủy hoại lòng tin giữa hai bên. Đổi lại, phía Palestine sẽ không theo đuổi các hành động ngoại giao chống lại Israel tại bất kỳ tổ chức quốc tế nào nhằm đáp ứng quan ngại của Tel Aviv./.