Nhiều nước dự trữ vaccine, chuẩn bị phương án ứng phó dịch bệnh đậu mùa khỉ
VOV.VN - Gần 20 nước tại hầu hết các châu lục đã xác nhận các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ chỉ 3 tuần sau khi Anh báo cáo trường hợp đầu tiên. Nhiều nước đã bắt đầu tăng cường kho dự trữ vaccine, cũng như lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp trong trường hợp dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng.
Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, gần 300 ca mắc và nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được xác nhận tại gần 20 nước kể từ khi căn bệnh này được phát hiện cách đây chỉ khoảng 3 tuần tại các quốc gia ngoài châu Phi. Châu Âu và Bắc Mỹ là hai khu vực chịu tác động mạnh nhất. Dù tỷ lệ lây nhiễm vẫn còn thấp, song trước sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc tại khu vực, Chính phủ Đức đang cân nhắc các biện pháp phòng ngừa, trong đó có cách ly ít nhất 21 ngày đối với người nhiễm bệnh và đã đặt 40.000 liều vaccine đậu mùa khỉ để sẵn sàng tiêm chủng cho những người nguy cơ cao trong trường hợp dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn.
Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach nhấn mạnh: “Những gì chúng ta đang trải qua với bệnh đậu mùa khỉ hiện nay không phải là sự khởi đầu của một đại dịch mới. Đã có những đợt bùng phát dịch bệnh do virus này và đều có thể được kiểm soát tốt thông qua truy vết và phòng ngừa”.
Tại Pháp, Cơ quan Y tế nước này khuyến nghị các chính quyền nên bắt đầu một chiến dịch tiêm chủng có mục tiêu chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó, các nhân viên y tế, người trưởng thành từng hoặc nghi ngờ tiếp xúc với người mắc bệnh đầu mùa khỉ nên được tiêm phòng. Cơ quan này khẳng định, chiến lược phản ứng sau phơi nhiễm này rất có ý nghĩa, bởi thời gian ủ bệnh của vi-rút thường từ 6-16 ngày.
Theo Ủy viên châu Âu về sức khỏe và an toàn thực phẩm Stella Kyriakides, dù thông thường virus sẽ biến mất sau khoảng 3 tuần, song bệnh có thể diễn biến nghiêm trọng ở một số nhóm người, trong đó có trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch kém hơn. Vì thế việc sẵn sàng các kế hoạch ứng phó như truy vết, vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán là rất quan trọng. Ủy ban châu Âu đang đàm phán với các nước thành viên, Cơ quan Chuẩn bị và Ứng phó y tế khẩn cấp, Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh châu Âu và Cơ quan thuốc châu Âu để đảm bảo các nước có thể ứng phó hiệu quả với bất kỳ nguy cơ bùng phát nào.
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh do virus gây ra và thường nhẹ, phổ biến ở các khu vực Tây và Trung Phi, với tỷ lệ tử vong tương đối thấp khoảng 1%.. Bệnh lây lan chủ yếu qua tiếp xúc gần. Các triệu chứng có thể bao gồm sốt, nhức đầu, đau nhức cơ, kiệt sức, sưng hạch bạch huyết… Tuy nhiên trong đợt bùng phát dịch bệnh này, chỉ riêng số trường hợp được phát hiện bên ngoài châu Phi trong tuần qua đã vượt qua tổng số trường hợp được phát hiện bên ngoài châu lục kể từ năm 1970, khi loại virus này lần đầu tiên được phát hiện gây bệnh cho người.
Chuyên gia Rosamund Lewis thuộc Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo: “Những gì diễn ra hiện nay cho thấy số ca mắc đậu mùa khỉ ở một số quốc gia có thể sẽ tiếp tục tăng lên. Dù bệnh đậu mùa khỉ không phải là một căn bệnh mới xuất hiện, mà đã có từ cách đây 20-30 năm, nhưng lại bắt đầu lây lan giữa các nhóm dân cư mà bình thường loại virus này không lưu hành. Đây cũng là lý do tại sao chúng tôi coi đây là một tình huống đáng lo ngại dù rủi ro vẫn ở mức thấp”.
Tuy nhiên, nhà virus học Jay Hooper tại Viện Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm của Quân đội Hoa Kỳ ở Fort Detrick, Maryland cho biết virus gây bệnh đậu mùa khỉ không giống như virus gây ra đại dịch Covid-19. Nó không dễ dàng truyền từ người này sang người khác, và vì nó có liên quan đến virus đậu mùa, nên đã có sẵn các phương pháp điều trị và vaccine để hạn chế sự lây lan. Vì vậy, mặc dù lo ngại, nhưng các nhà khoa học không hề hoảng sợ. Trong hướng dẫn mới nhất, Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo vào thời điểm hiện nay chưa cần tiêm đại trà vaccine để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ, bởi các biện pháp, trong đó có vệ sinh tốt và tình dục an toàn, vẫn có thể khống chế được sự lây lan của dịch bệnh./.