Những nội dung gì sẽ có trong Thượng đỉnh Nhật - EU?
VOV.VN - Trong chuyến công du châu Âu lần này, Thủ tướng Nhật Bản Kishida sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU – Nhật Bản và dự kiến hai bên sẽ ký kết một thỏa thuận nhằm nâng cấp quan hệ an ninh giữa hai bên.
Các lĩnh vực hợp tác
Theo lịch trình, ngày 13/7 thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh EU-Nhật Bản lần thứ 29 tại Brussels - Bỉ. Tại đây, ông sẽ có cuộc gặp với 2 quan chức cấp cao của khối là bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban Châu Âu và ông Charles Michel - chủ tịch Hội đồng Châu Âu.
Truyền thông Nhật Bản gần đây dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, trong dự thảo tuyên bố chung 2 bên sẽ khởi động một khuôn khổ hợp tác an ninh mới, bao gồm việc thiết lập các cuộc họp cấp bộ trưởng ở mức độ thường xuyên hơn.
Khuôn khổ hợp tác an ninh mới giữa EU và Nhật Bản là khuôn khổ hợp tác toàn diện đầu tiên trong lĩnh vực này. Trước đó, Nhật Bản và EU mới chỉ tập trung hợp tác trong lĩnh vực kinh tế như “Liên minh xanh”, “Đối tác kỹ thuật số”. Khuôn khổ hợp tác an ninh mới sẽ tập trung vào các lĩnh vực như an ninh hàng hải, an ninh kinh tế, an ninh vũ trụ, không gian mạng và an ninh thông tin, vốn là các vấn đề vượt ra ngoài khuôn khổ các khu vực riêng lẻ của châu Á hoặc châu Âu.
Về lĩnh vực an ninh hàng hải, EU và Nhật Bản sẽ xem xét tiến hành các cuộc tập trận chung tương tự như tập trận hàng hải chung để chống cướp biển, giúp tăng cường khả năng phòng thủ ở vùng biển châu Á. Nội dung này cũng là một phần trong chương trình nghị sự mà Nhật Bản sẽ thảo luận với EU về việc tăng cường khả năng tuần tra trên biển với tư cách là bên thứ ba trong khu vực.
Trong lĩnh vực an ninh kinh tế, ông Kishida Fumio và các nhà lãnh đạo EU sẽ đồng ý hợp tác nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn thế hệ tiếp theo và tăng cường chuỗi cung ứng cho chip bán dẫn và các vật liệu công nghiệp quan trọng khác. Thỏa thuận này được lên kế hoạch chủ yếu nhằm mục đích phát triển một cơ chế chia sẻ thông tin để phòng ngừa khả năng thiếu hụt nguồn cung chip và các sản phẩm liên quan trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Chuỗi cung ứng chất bán dẫn
Các vấn đề như cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, đại dịch Covid-19, hay xung đột Nga-Ukraine đã đặt ra các thách thức mang tính chiến lược như đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt hàng hoá nguyên vật liệu thiết yếu cho cả sinh hoạt và công nghiệp, rò rỉ công nghệ… Cũng giống như nhiều nước trên thế giới, những năm gần đây, cả Nhật Bản và EU đang nhận thức rõ ràng hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của an ninh kinh tế trong mối tương quan chặt chẽ với “sức mạnh quân sự” “sức mạnh ngoại giao”.
An ninh kinh tế là một khái niệm rộng dùng để chỉ các khía cạnh kinh tế của an ninh quốc gia, trong đó an ninh của một quốc gia được đảm bảo thông qua các biện pháp kinh tế như xây dựng chuỗi cung ứng ổn định cho các mặt hàng thiết yếu và ngăn chặn các tác nhân nước ngoài có được công nghệ nhạy cảm có thể được áp dụng cho các mục đích quân sự. Do đó Nhật Bản và EU tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuỗi cung ứng chất bán dẫn để thúc đẩy an ninh kinh tế.
Có thể dễ dàng nhận thấy tầm quan trọng của chất bán dẫn đối với nền kinh tế toàn cầu khi tình trạng thiếu chip bán dẫn kéo theo sự chậm trễ và tình trạng tắc nghẽn đối với các sản phẩm quan trọng như ô tô, điện thoại thông minh, các thiết bị điện tử... Hiện nay, cuộc đua trong ngành công nghiệp chất bán dẫn giữa các cường quốc đang nóng hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, thông qua hợp tác phát triển trong ngành bán dẫn, Nhật Bản và EU muốn giảm thiểu vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong sản xuất chất bán dẫn và với ngành công nghiệp toàn cầu, qua đó có thể tăng tính tự chủ trong việc sản xuất các sản phẩm quan trọng và đảm bảo an ninh kinh tế.
Tác động đối với khu vực
Trong bối cảnh EU và Nga đang có những động thái trừng phạt ăn miếng trả miếng liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, còn Nhật Bản đang phải đối diện với môi trường an ninh xung quanh phức tạp hơn bao giờ hết như vấn đề tên lửa hạt nhân của Triều Tiên hay tranh chấp trên biển Hoa Đông với Trung Quốc…
Cả Nhật Bản và EU đều có quan điểm cho rằng an ninh ở châu Âu và châu Á là “không thể tách rời” và “có lợi ích trực tiếp” với nhau, thì việc nâng cấp quan hệ an ninh giúp mỗi bên tự nâng cao sự đảm bảo an ninh của chính mình. Ngoài ra, giới phân tích cho rằng sự gần gũi của EU với Nhật Bản trên mặt trận an ninh có thể khiến Trung Quốc và Nga phải cảnh giác hơn.
Theo dự thảo tuyên bố chung, Hội nghị thượng đỉnh cũng bày tỏ quan ngại về an ninh trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Hai bên nhấn mạnh sẽ phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc. Nhật Bản và EU cam kết sẽ tăng cường các cuộc tập trận chung ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và giúp tăng cường khả năng phòng thủ hàng hải của các nước Đông Nam Á.
Có thể thấy EU muốn gửi đi thông điệp tới cộng đồng quốc tế rằng khối này đang tăng cường can dự vào an ninh ở châu Á, qua đó tìm kiếm sự liên minh liên kết với các nước có cùng chí hướng, nhằm nâng cao được tầm ảnh hưởng tại khu vực.