Những thách thức lớn Ukraine phải đối mặt khi sử dụng xe tăng phương Tây
VOV.VN - Các chuyên gia quân sự cho rằng, xe tăng chiến đấu chủ lực mà các nước thành viên NATO cam kết cung cấp cho Ukraine có thể đặt ra nhiều vấn đề đối với quân đội nước này.
Trong những tuần gần đây, các nhà tài trợ phương Tây tuyên bố sẵn sàng chuyển giao cho quân đội Ukraine những xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại, chẳng hạn như M1 Abrams, Leopard 2A6 hay phiên bản cũ hơn là Leopard 1. Các loại xe tăng này đều có cấu tạo rất phức tạp, đòi hỏi nhiều nỗ lực bảo trì và phụ tùng thay thế.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, khi được trang bị cùng lúc nhiều loại xe tăng như vậy và mỗi loại đều có những đặc điểm, yêu cầu riêng, các kíp lái xe tăng, thợ máy và chỉ huy trưởng của quân đội Ukraine sẽ gặp nhiều thách thức khi học cách thích nghi với chúng.
Không thể phủ nhận, những xe tăng mới này hiện đại hơn nhiều so với xe tăng chiến đấu chủ lực mà quân đội Ukraine đã sử dụng kể từ khi xung đột bắt đầu, trong đó có cả xe tăng T-72 có từ thời Liên Xô. Ukraine từng được một số quốc gia viện trợ T-72. Vào tháng 11/2022, Nhà Trắng cam kết tài trợ tân trang 45 xe tăng T-72B với các tính năng tiên tiến thông qua Cộng hòa Séc.
Nhưng so với 3 loại xe tăng chiến đấu chủ lực trên, T-72, vốn được sử dụng rộng rãi trên thế giới, vẫn có trọng lượng nhẹ hơn. Nó nặng khoảng 45 tấn, trong khi xe tăng M1A1 có thể nặng từ 67 đến 74 tấn tùy thuộc vào các loại vũ khí được trang bị, quân đội Mỹ cho biết.
Phát biểu với Newsweek, chuyên gia quân sự quốc phòng Michael Peck: “Trọng lượng của xe tăng ảnh hưởng đến thiết kế của những câu cầu mà phương tiện có thể sử dụng để di chuyển, từ đó ảnh hưởng đến địa điểm chúng được triển khai và khả năng cơ động trên chiến trường”.
Theo cựu sỹ quan quân đội Frank Ledwidge, những cây cầu có từ thời Liên Xô tại Ukraine được thiết kế để chịu được sức nặng của xe tăng thời bấy giờ. Vì thế nhiều cây cầu có thể không phù hợp với những xe tăng chiến đấu chủ lực có trọng lượng lớn mà phương Tây chuẩn bị cung cấp cho tiền tuyến ở Ukraine. Ngoài ra, những thiết bị bắc cầu tạm mà quân đội Ukraine đang sử dụng cũng được thiết kế dành riêng cho xe tăng thời Liên Xô, chứ không phải các loại xe tăng tiên tiến Abram, Challenger hay Leopard.
Ông Frank Ledwidge lưu ý, phương Tây nhiều khả năng sẽ cung cấp cho Ukraine những thiết bị dựng cầu tạm phù hợp với xe tăng của họ, nhưng Nga cũng có thể được hưởng lợi từ quyết định của Kiev nhằm loại bỏ những cây cầu không phù hợp. Quyết định này sẽ phần nào hạn chế tính cơ động của Ukraine, nhưng các chỉ huy của họ chắc chắn sẽ cố gắng tìm ra cách thức triển khai xe tăng để tận dụng hết khả năng của chúng.
Ngoài thách thức chung liên quan đến trọng lượng, mỗi loại xe tăng mà phương Tây cung cấp cho Ukraine cũng có những hạn chế nhất định.
Xe tăng M1A2 Abrams
Trong khi hầu hết xe tăng hiện đại hoạt động bằng động cơ diesel, thì Abrams sử dụng động cơ động cơ tuốc bin khí Honeywell tạo ra công suất 1.500 mã lực, hoạt động tốt nhất khi sử dụng nhiên liệu JP-8 dùng cho máy bay phản lực. Điều này mang lại cho Abrams tính năng phát điện mạnh mẽ, giúp nó có thể tăng tốc nhanh chóng trong khi hạn chế phát tiếng ồn. Nhưng động cơ này lại rất hao xăng.
Xe tăng Abram tiêu tốn gần 4 lít nhiên liệu cho mỗi km đường trường. Năm 1993, Thụy Điển đã so sánh M1 với Leopard 2 và phát hiện ra rằng xe tăng của Mỹ tiêu tốn lượng xăng gấp đôi so với Leopard 2. Vấn đề phức tạp hơn là hầu hết các loại xe tăng mà Ukraine vận hành từ trước khi xung đột nổ ra, cũng như những xe tăng Leopard 2 của Đức và Challenger 2 của Anh mà nước này chuẩn bị tiếp nhận sử dụng động cơ chạy bằng diesel. Điều này đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ gặp khó khăn khi đảm bảo đủ nguồn cung cấp nhiên liệu riêng cho Abrams. Abrams cũng có thể sử dụng nhiên liệu diesel nhưng điều đó đòi hỏi Ukraine phải tăng gấp đôi nỗ lực bảo dưỡng, bảo trì.
Xe tăng Challenger 2
Ukraine dự kiến sẽ tiếp nhận 14 xe tăng Challenger 2 của Anh.
Nếu như hầu hết xe tăng ngày nay được trang bị pháo nòng trơn thì Challenger 2 có một khẩu pháo nòng xoắn L30 120 mm. Đa phần các loại pháo xe tăng đều sử dụng đạn rỗng hoặc đạn xuyên giáp thoát vỏ ổn định bằng cánh đuôi (APFSDS), có thể xuyên qua lớp giáp xe tăng của đối phương.
Nhưng Challenger 2 cũng có thể bắn đạn nổ mạnh đầu đạn dẻo (HESH), về cơ bản khiến cho xe tăng nổ tung luôn. Khi đầu đạn va vào mục tiêu, vụ nổ tạo ra sóng xung kích ở lớp giáp và công phá cực mạnh, khiến lớp giáp bên trong nổ tung thành từng mảnh vụn, gây thương tích, thậm chí tiêu diệt kíp lái đối phương và làm phát nổ kho vũ khí của xe tăng. Thách thức đối với Ukraine là Abrams và Leopard 2 không sử dụng loại đạn HESH, vì thế không thể dùng chung cho chúng. Hơn nữa do quá trình nạp đạn và bảo quản rất phức tạp, các xạ thủ hoặc kíp lái xe tăng của Ukraine sẽ phải học các quy trình mới để sử dụng chúng.
Xe tăng Leopard 2
Nếu như các loại xe tăng Abram, Challenger 2 và Challenger 1 từng được sử dụng trong nhiều cuộc xung đột và phát huy hiệu quả khi đối đầu với xe tăng T-72 cùng nhiều loại xe tăng khác của Nga trong chiến tranh vùng Vịnh thì xe tăng Leopard 1 của Đức chưa được triển khai nhiều trong chiến đấu.
Khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai Leopard 2 trong cuộc chiến chống khủng bố IS tại Syria vào năm 2016, kết quả không thực sự ấn tượng. Lữ đoàn thiết giáp số 2 của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã mất 10 chiếc Leopard trong cuộc chiến giành thành phố al-Bab của Syria trước vũ khí chống tăng và chất nổ tự chế, theo tạp chí Der Spiegel của Đức.
Vấn đề tiếp theo đối với Leopard 2 là sự bảo trì và tính sẵn sàng chiến đấu. Quân đội Đức vẫn đang tìm cách giải quyết 2 vấn đề này. Nhà sản xuất Rheinmetall hiện có 22 chiếc Leopard 2 và 88 chiếc Leopard 1 cũ trong kho dự trữ nhưng họ chưa thể triển khai trên chiến trường cho đến ít nhất là năm 2024 do phải thực hiện quá trình bảo dưỡng và tái trang bị./.