Những tín hiệu tích cực sau đàm phán hạt nhân Iran
VOV.VN - Cuộc đàm phán giữa Iran với các cường quốc phương Tây tại trụ sở Liên Hợp Quốc ngày 26/9 đã kết thúc với những tín hiệu tích cực.
Cuộc họp do Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU), bà Catherine Ashton chủ trì với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng người đồng cấp Iran Javad Zarif và Ngoại trưởng các nước Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp, bà Catherine Ashton cho rằng cuộc họp đã đi vào thực chất nhằm giải quyết những bất đồng liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.
Bà cũng cho biết các cường quốc thế giới đã nhất trí sẽ tiếp tục đàm phán với Iran liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này vào ngày 15-16/10 tới tại Geneva, Thụy Sĩ.
“Cuộc họp đã đi vào thực chất và diễn ra trong bầu không khí cởi mở, sôi nổi. Chúng tôi đã có những thảo luận nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán đi đúng theo lộ trình và đạt được những tiến bộ tích cực.
Tôi vui mừng khi được công bố là chúng tôi đã đồng ý để gặp nhau tại Geneva Thụy Sỹ vào ngày 15 và 16 tháng 10 tới và hy vọng cuộc gặp tới đây sẽ có những bước đi đột phá ”, bà Ashton tuyên bố.
Đàm phán về hạt nhân Iran đang tiến triển thuận lợi (Ảnh BBC) |
Ngoại trưởng một số nước phương Tây như Anh và Pháp vốn có cái nhìn đầy nghi ngại về chương trình hạt nhân Iran sau cuộc họp cũng đã thay đổi cách nhìn về vấn đề này.
Ngoại trưởng Anh William Hague nói: “Theo tôi cuộc họp đã diễn ra trong bầu không khí tích cực. Cuộc đàm phán lần này đã có sự cải thiện đáng kể cả về tinh thần và giọng điệu so với các cuộc đàm phán trước đây. Tôi đánh giá cao sự đóng góp của Ngoại trưởng Iran Zarif và những cách thức mà ông ấy sử dụng để thúc đẩy đàm phán.”
Ngay sau cuộc gặp giữa Mỹ với các đối tác phương Tây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Zarif đã có cuộc gặp riêng bên lề Hội nghị của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Đây là cuộc gặp cấp Bộ trưởng song phương đầu tiên kể từ khi 2 nước chấm dứt quan hệ ngoại giao vào năm 1979. Điều đó cho thấy phần nào Mỹ đã có những thay đổi trong tiếp cận vấn đề hạt nhân của Iran. Hai bên đều đánh giá cuộc gặp có những tiến triển “tốt đẹp" và "bước đầu có sự hiểu biết".
Hai bên đã nhất trí sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán và hy vọng đạt được một thỏa thuận trong vòng một năm, sớm nhất trong vòng 3 - 6 tháng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thậm chí còn để ngỏ khả năng Mỹ có thể nới lỏng các lệnh trừng phạt Iran trong một vài tháng tới, nếu Iran có các bước đi tích cực hợp tác với cộng đồng quốc tế trong giải quyết hồ sơ hạt nhân gây tranh cãi của mình.
Trước đó, ngày 26/9, phát biểu với các học giả thuộc Viện châu Á và Hội đồng Quan hệ quốc tế ở New York, Tổng thống Iran Hassan Rowhani cho biết Iran cam kết thương lượng về chương trình hạt nhân với “sự tin tưởng” sau cuộc họp cấp ngoại trưởng Iran với nhóm P5+1.
Ông cũng nhấn mạnh Iran đã sẵn sàng tham gia một cách nghiêm túc vào tiến trình hướng tới một giải pháp cùng chấp nhận được thông qua thương lượng.
Ông Rowhani nói: “Tôi cam kết thực hiện chương trình hạt nhân Iran theo cách thức phù hợp để làm sao cân bằng giữa thực tế và việc theo đuổi lý tưởng của nước cộng hòa hồi giáo Iran. Về chính sách ngoại giao, tôi cũng sẽ theo đuổi giải pháp ôn hòa trong mối quan hệ với các quốc gia khác.”
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán về hạt nhân giữa Iran và phương Tây vốn không mấy khi thuận buồm xuôi gió, do hai bên tồn tại những quan điểm không đồng nhất, thì những tín hiệu tích cực trong quan hệ Iran với Mỹ và phương Tây đang mở ra những tia hi vọng mới cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa các bên liên quan./.