Những vấn đề hóc búa trong cuộc gặp Trump-Erdogan
VOV.VN - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tới Washington để gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Trump trong bối cảnh hai bên có nhiều căng thẳng.
Dự kiến, vấn đề người Kurd Syria sẽ là một nội dung hội đàm “căng thẳng” trong cuộc gặp giữa hai vị Tổng thống, được lên kế hoạch diễn ra trong ngày 13/11 (theo giờ Mỹ). Củng cố hơn nữa cho nhận định này, một quan chức cấp cao Mỹ hôm 12/11 thừa nhận, Mỹ đến nay không có bất kỳ kế hoạch nào về việc chấm dứt liên minh giữa nước này với lực lượng vũ trang người Kurd Syria – một lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã coi là khủng bố.
Tổng thống Mỹ Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Stars and Stripes. |
Ngoài ra, bức thư mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gửi cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mới đây, dự kiến cũng sẽ được ông Erdogan đích thân trao lại cho người đồng cấp Mỹ. Theo ông Erdogan, với những lời lẽ xúc phạm ông trong thư như “đừng là kẻ ngốc”, “lịch sử sẽ coi ông là ác quỷ”, thì đây đích thực là bức thư “bất lịch sự” của nhà lãnh đạo Mỹ.
Là một khác biệt quá lớn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, song vấn đề người Kurd Syria vẫn chưa là tất cả. Hợp đồng mua bán tổ hợp phòng không S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến Mỹ “thất vọng” và đau đầu. Mỹ vẫn cố gắng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ hợp đồng mua bán này, dù Nga đã chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ một phần.
Mới đây, Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien cảnh báo sẽ tiếp tục trừng phạt nặng Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tiếp tục hợp đồng mua bán. Dẫu vậy, đến nay, vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động theo ý muốn của Mỹ, khi Ankara vẫn luôn khẳng định rằng, hợp đồng mua S-400 với Nga đã “hoàn thành” và không điều gì có thể xoay chuyển, thay đổi được.
Không chỉ dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì S-400, Mỹ hiện nay còn dọa trừng phạt thêm Ngân hàng Nhà nước Halkbank của Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan đến các cáo buộc lừa đảo, rửa tiền, vi phạm các lệnh trừng phạt vào Iran. Theo các công tố viên Mỹ, các vi phạm của Ngân hàng Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến các lệnh trừng phạt Iran là “nghiêm trọng nhất” mà họ từng biết. Đáp lại những cáo buộc từ Mỹ, Tổng thống Erdogan khẳng định, vấn đề sẽ được thảo luận nghiêm túc trong chuyến thăm Mỹ lần này.
Một bất đồng khác trong căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ dai dẳng hơn, chưa được giải quyết, đó chính là yêu cầu dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống ở Mỹ về nước của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã cáo buộc vị giáo sĩ này cầm đầu 1 mạng lưới khủng bố, từng đứng sau vụ đảo chính quân sự bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016. Tuy nhiên, đến nay, Mỹ vẫn chưa giải quyết vấn đề này cho phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Những bất đồng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngày một lớn, nếu không được 2 nước thảo luận rõ ràng. Và chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lần này được đánh giá là giải pháp cần thiết phải có trong bối cảnh hiện nay. Nếu những căng thẳng được giải quyết, dù chỉ là một phần, mối quan hệ Mỹ Thổ sẽ tránh được nguy cơ đổ vỡ và những hợp tác thương mại giữa hai bên trị giá nhiều tỷ USD cũng sẽ được 2 bên thúc đẩy trong thời gian tới./.