Nỗi ám ảnh câu hỏi “bao giờ lấy chồng” của phụ nữ độc thân Trung Quốc
VOV.VN - Nhiều phụ nữ "cuối 2 đầu 3" độc thân ở Trung Quốc không muốn về nhà dịp Tết khi câu hỏi “bao giờ lấy chồng” từ gia đình trở thành nỗi ám ảnh của họ.
Sức ép của phụ nữ độc thân Trung Quốc ngày Tết
Ngày Tết thường được cho là ngày vui khi mọi người có thể được nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả và được đoàn tụ bên gia đình. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, nhiều phụ nữ "cuối 2 đầu 3" độc thân cảm thấy đây là khoảng thời gian họ phải đối diện với nhiều áp lực nhất khi câu hỏi "bao giờ lấy chồng" lại trở thành nỗi ám ảnh.
Nỗi ám ảnh câu hỏi “bao giờ lấy chồng” của phụ nữ độc thân Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Nhiều người thậm chí đã đề xuất với giám đốc công ty để họ được làm thêm việc trong kỳ nghỉ lễ lớn nhất ở Trung Quốc này, trong khi những người khác "bịa" ra câu chuyện về bạn trai để tránh sức ép từ gia đình và họ hàng.
Dù vậy, áp lực với những người phụ nữ này vẫn vô cùng lớn. Theo số liệu từ các bệnh viện, những người trẻ phải điều trị các vấn đề về tâm lý những ngày này liên tục tăng.
"Tôi quá lo lắng đến nỗi năm ngoái tôi đã không về nhà. Năm nay tôi cũng không muốn về nhà nhưng trốn tránh mãi cũng không phải là cách", Emily Liu - một phụ nữ 31 tuổi đang làm việc ở một doanh nghiệp nhà nước quyết định sẽ về quê ở Đại Liên vào tháng tới.
"Bố mẹ tôi nói: "Bạn bè con còn có con cái rồi mà con thậm chí còn không cả có bạn trai", Liu chia sẻ. "Đây là chủ đề duy nhất khi tôi về nhà và bố mẹ tôi thậm chí còn vận động cả họ hàng khuyên nhủ tôi. Áp lực là rất lớn".
Phụ nữ thường bị coi là "ế" ở nhiều nước châu Á nếu họ chưa kết hôn khi đã ngoài 25 tuổi.
Nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh trong những thập kỷ qua đã tạo ra một số lượng lớn tầng lớp trung lưu. Nhiều phụ nữ lựa chọn theo đuổi sự nghiệp thay vì kết hôn sớm.
Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm mạnh. Theo một số liệu thống kê chính thức được đưa ra hồi tuần trước, năm 2018, có 15,2 triệu em bé ra đời, ít hơn 2 triệu bé được sinh ra so với năm 2017. Chính phủ Trung Quốc hiện đang lo ngại rằng điều này đang tạo ra một “quả bom nổ chậm” với sự phát triển của đất nước khi dân số dần già hóa, bất chấp việc Trung Quốc đã từ bỏ chính sách một con cách đây một vài năm để khuyến khích các gia đình sinh thêm con.
Mặc dù chính phủ đã có nhiều chiến dịch nhằm kích thích tỷ lệ sinh nhưng hầu như không đạt được nhiều tiến triển. Chính phủ và thậm chí cả các bậc phụ huynh đã không mấy thành công trong việc khuyến khích những phụ nữ trẻ kết hôn sớm. Số lượng các đám cưới ở Trung Quốc liên tục giảm trong 5 năm qua. Hiện có khoảng 200 triệu người độc thân ở quốc gia này.
Một số công ty cũng đang nỗ lực để thay đổi thực tế này ở Trung Quốc khi khuyến khích các nhân viên nữ hẹn hò và kết hôn.
Hai công ty điều hành Thị trấn Song Dynasty - một địa điểm du lịch ở Hàng Châu đã cho các nhân viên nữ độc thân ngoài 30 tuổi có thêm 8 ngày nghỉ để họ có thể hẹn hò trong dịp Tết - thời gian cao điểm của hình thức "hẹn hò giấu mặt" (blind dating) tại Trung Quốc. Ngoài ra, nếu bất kỳ ai trong số các cô gái trên kết hôn trước khi năm 2019 kết thúc, họ sẽ được nhận gấp đôi khoản tiền thưởng Tết hằng năm.
Hai công ty này cho biết họ đề xuất chính sách "nghỉ phép hẹn hò" này nhằm cho thấy sự quan tâm của công ty với các nhân viên.
"Một số nhân viên của chúng tôi quá bận rộn với công việc nên chúng tôi nghĩ việc cho họ thêm thời gian nghỉ để hẹn hò sẽ là một ý hay", Huang Lei - giám đốc nhân sự của công ty cho biết.
Cũng ở Hàng Châu, một trường Trung học đã cho các giáo viên "nghỉ phép tình yêu" thêm 2 nửa ngày mỗi tháng. Khoảng 40% các giáo viên vẫn chưa kết hôn, vì thế, các trường học đã đưa ra sáng kiến "nghỉ phép tình yêu" để giúp họ có thêm thời gian tìm kiếm "một nửa" của mình.
Dù vậy, một số người cho rằng việc cho các phụ nữ độc thân nghỉ phép là sự phân biệt đối xử với đàn ông.
"Giúp một số nhân viên quá bận rộn với công việc có thời gian hẹn hò là một điều tốt thôi. Nhưng có thể họ chỉ đơn giản ở nhà nghỉ hoặc đi du lịch bởi công ty có yêu cầu các thông tin chi tiết về cuộc hẹn hò đâu", Peng Mei - một nhân viên văn phòng 38 tuổi cho biết.
Cô cũng đặt câu hỏi rằng trong khi những người phụ nữ được nghỉ để hẹn hò nhưng những người đàn ông không được nghỉ thì họ sẽ hẹn hò với ai?
Câu chuyện của những phụ nữ đồng cảnh ngộ
Nhiều phụ nữ trên 25 tuổi chưa kết hôn cảm thấy vô cùng mệt mỏi với việc về quê vào dịp nghỉ lễ khi bị dò xét về tình trạng độc thân của mình. Theo một cuộc khảo sát năm 2018 của Zhenai.com - một trang hẹn hò trực tuyến, khoảng 85% những người độc thân từ 26 - 30 tuổi nói rằng cha mẹ họ luôn thúc giục họ nhanh kết hôn.
Shen - một phụ nữ 25 tuổi đã nghĩ ra một cách để tránh rắc rối này khi cô dành 1 tháng để chỉnh sửa 10 bức ảnh ghép cô với diễn viên nổi tiếng Lưu Hạo Nhiên.
Cô đã gửi những bức ảnh này cho cha mẹ mình và nói rằng người đàn ông trong hình chính là bạn trai cô. Gia đình cô đều tỏ ra vui mừng khôn xiết.
Tuy nhiên, sau đó Shen đã nhìn thấy một trong những người bạn của cha cô đăng tải trên WeChat - một ứng dụng mạng xã hội ở Trung Quốc rằng:
"Tối qua, tôi mơ thấy con gái tôi kết hôn. Tôi đã khóc rất nhiều và tỉnh dậy nhiều lần", người bạn của cha Shen còn nói rằng ông đang bắt đầu tập đọc bài phát biểu trong đám cưới của con gái ông.
Khi nhìn thấy bài đăng tải đó, Shen cảm thấy vô cùng tội lỗi và cô đã thừa nhận trên Weibo về những điều cô đã làm. Lời thú nhận của Shen đã nhận được sự đồng cảm của hàng triệu người độc thân cũng ở trong tình cảnh như cô.
Cha mẹ của Shen, sau khi biết được điều này đã nói cô đừng lo lắng và hãy tiếp tục tham gia các buổi "hẹn hò giấu mặt", Shen chia sẻ trên trang Pear Video sau khi câu chuyện của cô trở nên nổi tiếng. Video của Shen đã thu hút hơn 200 triệu lượt xem chỉ trong 24 giờ sau khi nó được đăng tải.
Dong - người phụ nữ 35 tuổi với học vị tiến sĩ cũng chật vật để tránh gặp cha mẹ cô vì không muốn nghe những lời phàn nàn từ gia đình. Cô không chỉ "ế" mà còn rơi vào tình cảnh "ba cao" - học vị cao, thu nhập cao và tuổi tác cao. Dong mệt mỏi vì bị những người họ hàng vây quanh "hỏi han" vào dịp nghỉ lễ nên cô hy vọng có thể "vùi mình" vào công việc để tránh khỏi điều này. Cô thậm chí đã đề nghị ông chủ để cô làm việc trong dịp Năm mới.
Ông chủ của cô đã từ chối yêu cầu này. Ông cũng tầm tuổi với cha mẹ cô nên rõ ràng ông sẽ đồng cảm với những lo lắng của họ.
"Trốn tránh không thể thay đổi thực tế. Cháu chỉ có thể giải quyết vấn đề bằng cách đương đầu với chúng. Kỳ nghỉ là một cơ hội tốt để chuyện trò với mọi người và cháu nên gặp nhiều người hơn. Hãy mở lòng ra và cháu sẽ tìm thấy một nửa đích thực của mình", Dong nhớ lại lời của ông chủ mình./.
Những bức ảnh quý hiếm lưu giữ cuộc sống ở Trung Quốc thế kỷ 19
Công ty Trung Quốc chất tiền như núi để thưởng nhân viên