Nông dân Thái Lan “dọa” biểu tình tại sân bay Bangkok
VOV.VN - Hàng nghìn nông dân Thái Lan ngày hôm nay (21/2) dự định sẽ lái máy cày đến bao vây một sân bay tại Bangkok.
Theo Reuters, lời đe dọa trên được họ đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Thái Lan vẫn chưa chi trả cho họ tiền mua gạo theo chương trình trợ cấp giá gạo của Chính phủ.
Chương trình trợ cấp giá gạo này là một trong những chính sách dân túy nhất được khởi xướng bởi anh trai Thủ tướng Thái Lan Thaksin Sinawatra.
Giờ đây, chính sách này đang khiến cho người nông dân Thái Lan rất tức giận và khiến áp lực buộc Thủ tướng Yingluck phải từ chức ngày một mạnh mẽ hơn.
Nông dân Thái Lan lái máy cày từ tỉnh Ang Thong sang Bangkok (Ảnh Reuters) |
Hiện vẫn chưa rõ người biểu tình sẽ làm gì khi họ bao vây sân bay hay họ dự định sẽ ở đó trong bao lâu.
“Chúng tôi vẫn chưa rõ liệu chúng tôi có dựng lều trại bên ngoài sân bay hay không nhưng chúng tôi sẽ không rời khỏi thủ đô cho đến khi nhận đủ số tiền cho từng hạt gạo của mình”, cựu Nghị sỹ Quốc hội Chada Thaiseth tuyên bố ngày 20/2.
Các phương tiện truyền thông Thái Lan cho biết những người nông dân từ vùng đồng bằng miền Trung nước này hy vọng sẽ được đàm phán với bà Yingluck và sẽ chờ đợi cho đến trưa nay (21/2) trước khi tiến ra sân bay Suvarnabhumi lớn nhất và hiện đại nhất Thái Lan nằm ở phía Bắc thủ đô Bangkok.
Chương trình trợ cấp giá gạo của Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp bà Yingluck giành được sự ủng hộ của đa số nông dân nghèo ở phía Bắc và Đông Bắc nước này và giúp bà giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2011.
Tuy nhiên, chương trình này cũng khiến Thái Lan bị dồn ứ gạo trong các kho dự trữ và khiến Chính phủ phải rất khó khăn để chi trả tiền cho người nông dân nước này.
Lãnh đạo phe đối lập cáo buộc chương trình trên đã bị phá sản bởi nạn tham nhũng cũng như đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân nước này với con số ước tính lên đến 6 tỷ USD/năm.
Trước đó, ngày 18/2, 4 người biểu tình và 1 cảnh sát đã thiệt mạng khi cảnh sát Bangkok cố giành lại các địa điểm bị người biểu tình chiếm đóng gần các tòa nhà Chính phủ.
Sau đó, ngày 20/1, người biểu tình đã quyết định nhắm đến những doanh nghiệp có mối liên kết với gia đình nhà Shinawatra.
"Nếu các bạn yêu nước, các bạn hãy ngừng sử dụng hàng hóa có liên quan đến gia đình Shinatrawa và tìm mọi các để việc làm ăn của những doanh nghiệp này thất bại”, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố ngày 19/2./.